Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:08 (GMT +7)
Khi phong trào đi vào chiều sâu
Chủ nhật, 24/12/2023 | 08:31:37 [GMT +7] A A
Năm 2023, kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023), là dịp để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Từ đây, góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, tạo động lực cổ vũ toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của tỉnh phát huy sức mạnh đoàn kết, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Một trong những hoạt động nổi bật thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo sức lan tỏa, cổ vũ phong trào văn hóa văn nghệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng cao của người dân trong cộng đồng phải kể đến Liên hoan tiếng hát khu dân cư toàn tỉnh năm 2023 chào mừng 60 năm thành lập tỉnh. Trong vòng 5 tháng, khắp các thôn, bản, khu dân cư từ miền xuôi đến miền ngược, từ đô thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo đã rộn vang những lời ca, tiếng hát ca ngợi quê hương Quảng Ninh đổi mới, phát triển. Toàn tỉnh có 1.440/1.452 khu dân cư tham gia Liên hoan, 175/177 xã, phường, thị trấn và 13/13 cấp huyện tổ chức Liên hoan, thu hút sự tham gia của hơn 60.000 diễn viên quần chúng ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần.
Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, chia sẻ: Với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh và hiện đại”, Liên hoan Tiếng hát khu dân cư thật sự trở thành đợt sinh hoạt văn hóa sôi nổi, lành mạnh trong toàn dân. Đồng thời, tạo ra bầu không khí giao lưu văn hóa, văn nghệ tràn ngập niềm vui, ý nghĩa, thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng trong mỗi khu dân cư và giữa các khu dân cư với nhau, cổ vũ tinh thần hứng khởi của toàn dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh.
Cùng với Liên hoan Tiếng hát khu dân cư các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được duy trì tổ chức đảm bảo tiết kiệm, văn minh đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Thông qua các ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số miền núi, lễ hội của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ tại các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên… đã trở thành dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân, vừa nhằm bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống phục vụ phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân.
Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở cũng thường xuyên được nâng cấp, phát huy được hiệu quả sau đầu tư, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng, phát triển các câu lạc bộ về lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 12/13 địa phương được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố. Cấp xã, phường có 103/177 xã, phường, thị trấn đã thành lập Trung tâm văn hóa, thể thao; cấp thôn, khu có 1.449/1.452 thôn khu có nhà văn hóa, trong đó 976 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn.
Điểm nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở những năm qua là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, các tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, đã tạo được phong trào thi đua rộng lớn từ trong mỗi gia đình, trên địa bàn dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Năm 2023, toàn tỉnh ước đạt 95% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 96% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”.
Qua phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa” khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ‘‘Ngày chủ nhật xanh”, “Biến rác thành tiền”, mô hình “Tự quản an ninh trật tự ”… duy trì hiệu quả tại cộng đồng.
Đồng thời, tinh thần tương thân tương ái được phát huy mạnh mẽ, hình thành lối sống đẹp trong cộng đồng. Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn, hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ nguồn xã hội hóa, toàn tỉnh đã trao tặng 115.041 suất quà với tổng trị giá trên 72,475 tỷ đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… nhân các dịp lễ, tết. Đặc biệt, 13/13 địa phương đã hoàn thành chương trình xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát với 441/441 nhà với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng để triển khai chương trình. Các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được lan tỏa.
Việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Từ thực hiện phong trào, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực hiện nếp sống văn minh. Qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh, đất nước.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()