Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 04:10 (GMT +7)
Khó về nhiều mặt
Thứ 5, 23/05/2013 | 06:55:06 [GMT +7] A A
“Không gấp gáp về thời gian như khi lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt của Khu di tích (KDT) Yên Tử và Bạch Đằng nhưng hồ sơ KDT nhà Trần tại Đông Triều lại khó vì nơi đây hầu hết đều là phế tích, đòi hỏi phải đi tìm tư liệu rất vất vả...” - bà Vũ Thị Khánh Duyên, Trưởng Phòng Nghiệp vụ (Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh) chia sẻ.
Vườn tháp chùa Quỳnh. |
Quả thật, thời gian để Quảng Ninh lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt cho hai KDT Yên Tử và Bạch Đằng là rất gấp. Chỉ trong vòng khoảng một tháng, hồ sơ phải hoàn thiện để trình lên Cục Di sản văn hoá. Với KDT nhà Trần tại Đông Triều thời gian có dài hơn, từ tháng 3 có quyết định của Bộ VH-TT&DL đề nghị lập hồ sơ, đến đầu tháng 4-2013 tỉnh đã có văn bản giao cho Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh tiến hành lập hồ sơ và đến đầu tháng 5 có quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí cho công việc này. Tuy vậy, thời gian cũng không phải là quá dư dả khi mà trong tháng 6 tới đây việc lập hồ sơ phải hoàn thiện để gửi lên trên; nghĩa là chỉ có khoảng 3 tháng chuẩn bị cho 8 nội dung trong hồ sơ, từ viết lý lịch di tích, lập bản vẽ kỹ thuật di tích, lập hệ thống ảnh tổng thể di tích (từ các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên cho đến ảnh lễ hội, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng gắn với di tích), thống kê hiện vật, dập dịch văn bia, câu đối, đại tự và các tài liệu Hán Nôm có ở di tích, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích và sưu tầm tư liệu tại các viện nghiên cứu khác…
Để hoàn thiện chừng đó công việc trong 3 tháng rõ ràng là không thể không khẩn trương. Nhất là việc kế thừa các tài liệu cũ gần như không có vì KDT nhà Trần tại Đông Triều được đặc cách xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1962 nên không có hồ sơ; nghiên cứu về di tích những năm gần đây cũng chưa nhiều, kể cả việc khai quật khảo cổ đến nay vẫn chưa được tiến hành ở nhiều điểm di tích. Theo bà Duyên cho hay thì các điểm di tích của KDT nhà Trần tại Đông Triều trải qua thời gian nay phần lớn đều đã trở thành phế tích. Những tư liệu lịch sử về kiến trúc, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng… diễn ra tại các di tích nay phải lục tìm, sưu tầm ở nhiều cơ quan khác nhau. Còn về các công trình kiến trúc cổ thì gần như không còn gì cả, chỉ còn lại nền móng và những hiện vật vỡ vụn nằm dưới lòng đất; một vài công trình nhỏ còn lại cũng chỉ mang dáng dấp, phong cách đời Trần do được trùng tu vào các thời kỳ sau, đặc biệt là thời hậu Lê… Vì vậy, những điểm này chỉ có thể nói theo tư liệu lịch sử. Bên cạnh đó, địa hình tự nhiên của KDT với nhiều điểm di tích trải rộng trên diện tích hơn 11.000ha, hầu hết công trình kiến trúc lớn lại nằm trên núi cao, cây cối bao phủ cũng là một khó khăn không nhỏ cho các cán bộ tiến hành khảo sát, lập hồ sơ…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hồ sơ di tích sẽ không chỉ đề cập đến thực trạng mà còn về phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Nhưng với Đông Triều lại có thuận lợi là Quy hoạch tổng thể KDT hiện đã được phê duyệt từ tháng 2 vừa qua, vì vậy khâu bảo tồn, tôn tạo sẽ căn cứ theo đó để triển khai. Trong đó, quy hoạch kéo dài đến năm 2025, đề cập tới việc tôn tạo, bảo tồn một số công trình lớn như: Chùa Quỳnh Lâm, đền Thái, chùa Ngoạ Vân, khu trung tâm tại đền Sinh v.v.. Đây đều là những di tích có giá trị lịch sử rất lớn, khi được tôn tạo cũng dễ tạo thành điểm nhấn trong phát huy giá trị KDT… “Cho đến nay, nguồn tư liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt của KDT nhà Trần tại Đông Triều đã khá đầy đủ, đảm bảo hồ sơ sẽ hoàn thành theo kế hoạch. Tuy nhiên, kinh phí lập hồ sơ tỉnh đã phê duyệt nhưng hiện chưa có, lãnh đạo đơn vị đã phải ứng tiền túi cho anh em tạm vay đi công tác trước. Mong rằng, việc phân bổ nguồn kinh phí cho lập hồ sơ sẽ sớm được tỉnh lưu tâm, để tạo thuận lợi hơn cho anh em trong đơn vị triển khai công việc…” - bà Duyên đề xuất.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()