Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:48 (GMT +7)
Khơi nguồn dòng vốn tỷ USD từ châu Âu
Thứ 4, 24/01/2024 | 15:32:48 [GMT +7] A A
Dù chưa có những thỏa thuận tỷ USD được ký kết, nhưng tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và EU dường như mở rộng hơn bao giờ hết và đang được kỳ vọng ở những lĩnh vực mới nổi như tài chính, bán dẫn, AI…
Tâm điểm hợp tác mới: bán dẫn và tài chính
Hàng loạt cuộc gặp gỡ, các buổi tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các tập đoàn hàng đầu ở châu Âu đã được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mới đây. Và không nằm ngoài dự đoán, các tập đoàn này, dù ở Thụy Sỹ, Romania hay Hungary, dù là Gedeon Richter, Visa, Baracoda Group, hay Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson, thậm chí cả các ngân hàng hàng đầu như SEB, UBS…, đều khẳng định mối quan tâm đặc biệt và rất háo hức để khám phá các cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.
Có một điểm thú vị, đó là trong chuyến công du châu Âu lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, dù chưa có các thỏa thuận tỷ USD được ký kết, nhưng không khí chung là hào hứng, tràn đầy kỳ vọng và niềm tin rằng, tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và EU đang mở rộng hơn bao giờ hết và đang được kỳ vọng ở những lĩnh vực mới nổi như tài chính, bán dẫn, AI…
Ngay tại một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới - Thụy Sỹ, một cuộc tọa đàm về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam đã được tổ chức, với sự có mặt của nhiều tên tuổi lớn như Ngân hàng SEB - lớn nhất Bắc Âu, Ngân hàng UBS - lớn nhất Thụy Sỹ, Blackrock Switzerland - nhà quản lý tài sản số 1 Thụy Sỹ, rồi Standard Chartered, Commerzbank Switzerland…
Kế hoạch xây dựng một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế ở TP.HCM và có thể ở cả Đà Nẵng sau đó, đang từng bước được Việt Nam thúc đẩy. Nhưng nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang rất cần sự tư vấn, các sáng kiến và sự đồng hành của các tổ chức tài chính lớn trong việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM. Có lẽ đó là lý do cuộc tọa đàm về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính, cũng đang cơ cơ hội rất đặc biệt để chuyển mình nhờ công nghệ và có thể tránh được những ‘vết xe đổ’, những lựa chọn sai của các quốc gia đi trước”, ông Claudio Cisullo, đại diện Ngân hàng UBS cho biết.
Thông tin tích cực hơn là ngay tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất với ý kiến của các bộ, ngành, các tập đoàn, các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu thế giới về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam do TS. Philipp Rösler (cựu Phó thủ tướng Đức), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì.
Cơ hội đang được mở ra trong các lĩnh vực bán dẫn và AI. Một cuộc tọa đàm với chủ đề này đã được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu của Thủ tướng, với sự có mặt của hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới, như Google, Mitsubishi Heavy Industries, H&M Hennes & Mauritz, Siemens, Mahindra, PSA International, JANZZ.technology, Qualcomm… Các tập đoàn này đều mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, AI, hạ tầng chiến lược…
Khơi dòng vốn tỷ USD
Cơ hội là rất lớn, nhưng làm sao để biến cơ hội thành dòng vốn có giá trị hàng tỷ USD lại là câu chuyện không đơn giản.
Thực tế, đầu tư từ EU vào Việt Nam còn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, tình hình đã có sự cải thiện trong thời gian gần đây kể từ khi Việt Nam - EU ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Sách Trắng do EuroCham vừa công bố cho biết, kể từ khi EVFTA được ký kết, các nhà đầu tư EU đã cam kết hơn 26 tỷ USD vào gần 2.250 dự án của Việt Nam.
Trong số đó, phải kể đến Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào một nhà máy không phát thải carbon ở Việt Nam. Còn Adidas đã có tới 51 nhà cung cấp tại Việt Nam với hơn 190.000 nhân viên. “Điều này minh chứng cho sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty EU trong quá trình hội nhập các nền kinh tế”, Sách Trắng của EuroCham nhận định.
Các kết quả khảo sát về Chỉ số Niềm tin kinh doanh của EuroCham đã xác nhận xu hướng trên, khi có tới 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ. Ấn tượng hơn là, 31% đánh giá Việt Nam là một trong ba mục tiêu đầu tư hàng đầu, trong đó 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cũng nhắc đến niềm tin mà các doanh nghiệp châu Âu dành cho Việt Nam. Dấu hiệu rõ nhất cho niềm tin này là sự gia tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Ông cũng đã nhắc đến thông báo gần đây của Nestlé Việt Nam về kế hoạch mở rộng nhà máy tại Đồng Nai, với vốn đầu tư 100 triệu USD.
Nhưng cùng với niềm tin, nỗi lo của các nhà đầu tư EU vẫn còn đó. Sách Trắng chỉ ra, 59% doanh nghiệp EU được hỏi cho rằng, những khó khăn về hành chính là thách thức chính của họ khi hoạt động tại Việt Nam. Các vấn đề về sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, các trở ngại trong việc xin phép và các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài cũng được cho là những rào cản nổi bật.
Để đón được dòng vốn tỷ USD từ châu Âu, các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam cần phải tinh giản bộ máy hành chính, tăng cường môi trường pháp lý, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như cần thiết nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài…
Rào cản sẽ được gỡ bỏ, bởi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói: “Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro”.
Theo Báo Đầu tư
Liên kết website
Ý kiến ()