Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:13 (GMT +7)
Khởi sắc ở CCN Nam Sơn, Ba Chẽ
Thứ 4, 28/07/2021 | 14:12:31 [GMT +7] A A
Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, đến nay Cụm công nghiệp (CCN) Nam Sơn (Ba Chẽ) đã thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp với tỷ lệ lấp đầy 87%. Trong đó, có một số nhà máy đã và đang đi vào hoạt động, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của huyện.
CCN Nam Sơn do Công ty CP Hoàng Thái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có tổng diện tích 47,5ha. Giai đoạn 1 của dự án chủ đầu tư đã cơ bản xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông và cây xanh với diện tích 28,5ha, tổng mức đầu tư trên 276 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ trên 60 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của chủ đầu tư. Hiện toàn bộ hệ thống đường giao thông kết nối với tỉnh lộ 329 và cảng Nam Sơn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ cho việc vận chuyển và đi lại của các nhà đầu tư thứ cấp.
Đầu năm 2020, nhà máy sơ chế tôm của Công ty CP Thủy sản BNA chính thức đi vào hoạt động. Quy mô của nhà máy rộng hơn 6.000m2 với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Đây là nhà máy chế biến thủy sản đầu tiên đi vào hoạt động trong CCN Nam Sơn. Lúc mới đi vào hoạt động nhà máy thu hút được hơn 350 lao động địa phương.
Đến nay, quy mô nhà máy được mở rộng công suất sản lượng sơ chế tôm đạt 10-15 tấn/ngày (tăng 5-7 tấn/ngày so với lúc mới đi vào hoạt động). Sản phẩm tôm sơ chế của nhà máy chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mới đây nhất đầu tháng 5/2021, nhà máy tiếp tục tuyển thêm 200 lao động địa phương để mở rộng công suất sơ chế tôm. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của công nhân trong nhà máy đạt từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Đại diện Công ty CP Thủy sản BNA cho biết, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động nhờ những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã giúp Công ty ổn định sản xuất, kinh doanh. Quá trình hoạt động Công ty chủ yếu tuyển dụng lao động là người địa phương. Mới đầu khi tiếp cận dây chuyền sơ chế tôm công nhân còn bỡ ngỡ nhưng nay đã có kinh nghiệm, đáp ứng vị trí công việc. Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại gặp mặt doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Đầu năm 2021, nhà máy sản xuất ván sàn nhựa của Công ty CP Sàn ANZ chính thức được khởi công. Tổng mức đầu tư của nhà máy hơn 240 tỷ đồng. Nhà máy lắp đặt 4 nhà xưởng, 2 dây chuyền sản xuất ván sàn nhựa với công suất 26.700 tấn ván sàn nhựa/năm. Hiện tại, dây chuyền sản xuất chủ yếu các sản phẩm: Tấm ốp tường, ốp trần, lót sàn… xuất sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Dự kiến tháng 8/2021, nhà máy chính thức đi vào hoạt động.
Việc đưa nhà máy đi vào hoạt động cho thấy sức hút đầu tư của CCN Nam Sơn rất lớn; mở ra nhiều cơ hội phát triển công nghiệp huyện miền núi Ba Chẽ. Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho hơn 200 công nhân lao động địa phương. Dự kiến, nhà máy sẽ thu hút khoảng 500-700 lao động địa phương cho năm tiếp theo.
Những tín hiệu khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào CCN Nam Sơn đang giúp ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Ba Chẽ phát triển ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm bóc của Ba Chẽ đạt hơn 1.660 tấn; giá trị xuất khẩu 6 tháng của huyện đạt trên 82 tỷ đồng, trong đó, riêng CCN Nam Sơn đóng góp gần 70% giá trị xuất khẩu.
Hiện nay, huyện Ba Chẽ và chủ đầu tư là Công ty CP Hoàng Thái đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính triển khai giai đoạn 2 CCN Nam Sơn với diện tích quy hoạch 19,5ha. Hiện huyện cũng đang đề xuất với tỉnh chủ trương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2025, trong đó điều chỉnh công suất điện trong CCN Nam Sơn từ 3.566kW lên 20.000kW đáp ứng nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất cho các nhà máy trong CCN Nam Sơn giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()