Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:42 (GMT +7)
Khởi sắc vùng cao Hạ Long
Thứ 5, 16/05/2024 | 11:12:16 [GMT +7] A A
Để nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, thời gian qua, TP Hạ Long đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhờ đó, trên địa bàn các xã vùng cao của TP Hạ Long hôm nay xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, tô điểm cho bức tranh phía Tây Hạ Long gam màu tươi sáng sau 3 năm sáp nhập địa giới hành chính.
Sau khi sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, thành phố đã chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; đánh giá điều tra tài nguyên đất nông nghiệp; triển khai xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với ngành nông lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế như cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, hoa các loại, trang trại, khu chăn nuôi...
Bà Tạ Thị Thắm, thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương, cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng lúa cho thu nhập thấp. Sau khi chuyển sang trồng ổi, kết hợp đào ao thả cá để làm du lịch trải nghiệm theo định hướng của địa phương, mỗi tuần, gia đình đón hàng trăm khách du lịch. Qua đó, không chỉ mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm cho gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho từ 3-4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Xã Sơn Dương có 50% dân số là đồng bào DTTS. Từ chỗ chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi đáp ứng nhu cầu của gia đình, giờ đây, nhiều hộ dân đã biết lấy nông nghiệp làm điểm tựa để phát triển kinh tế. Ông Vương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Dương cho biết: Thu nhập bình quân trên địa bàn đến hết năm 2023 đạt 80 triệu đồng/người/năm. Từ nay đến 2025, xã phấn đấu nâng thu nhập bình quân lên 120 triệu đồng/người/năm.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế phù hợp tiềm năng, lợi thế địa phương, đồng thời phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương, của tỉnh, trên địa bàn các xã vùng cao của TP Hạ Long đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng ổi, mía tím tại xã Sơn Dương, chăn nuôi gà tại Đồng Lâm, Đồng Sơn, trồng dược liệu tại xã Tân Dân... Trong đó, mô hình sản xuất ổi đã được cấp giấy chứng nhận VietGap tại 45 hộ (6 nhóm hộ) với khoảng 10 hecta ở thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương. Đây là mô hình sản xuất ổi theo VietGap đầu tiên trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện để xuất khẩu cho 20,93ha vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương, Dân Chủ; cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm Bí xanh xã Hòa Bình, Ổi lê xã Quảng La, Bí đỏ xã Vũ Oai, nâng số vùng trồng được cấp mã trên địa bàn thành phố lên 6 mã (6 xã).
Trong 3 năm (2021-2023) trên địa bàn 12 xã nông thôn, miền núi của TP Hạ Long cũng triển khai nuôi được trên 469.983 con gà thương phẩm. Đây là kết quả từ việc triển khai nhân rộng mô hình nuôi gà Tiên Yên năm 2021 do thành phố huy động xã hội hóa hỗ trợ cho 2 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn với số vốn ban đầu là 320 triệu đồng.
Bên cạnh đó, TP Hạ Long cũng chỉ đạo, hướng dẫn các xã phường, đơn vị, hộ sản xuất có sản phẩm tiềm năng tham gia vào chu trình OCOP như xã Dân Chủ (sản phẩm Ổi), Lê Lợi (sản phẩm hoa)... Đến nay, thành phố đã có 78 sản phẩm OCOP và tham gia chu trình OCOP, trong đó các xã có 12 sản phẩm OCOP. 100% các sản phẩm OCOP đã có sao được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hàng năm, thành phố còn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tại các kỳ Hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Hết năm 2023, thu nhập bình quân của TP Hạ Long đạt trên 73,1 triệu đồng/người/năm. Trong đó 5/11 xã vùng đồng bào dân tộc miền núi có thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân chung của thành phố. Đời sống vật chất của người dân được cải thiện, nâng cao. Niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền được củng cố. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi thủ phủ của tỉnh ngày càng phát triển.
Thu Phương
Liên kết website
Ý kiến ()