Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 19:29 (GMT +7)
Không chủ quan với bệnh viêm phổi
Thứ 5, 16/11/2023 | 09:25:35 [GMT +7] A A
Thời tiết ở miền Bắc đang bắt đầu chuyển mùa. Đây là dạng thời tiết rất dễ khiến mắc các bệnh lý về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm phổi là bệnh viêm cấp tính của phổi do các tác nhân như vi khuẩn, vi rút, nấm và một số tác nhân khác gây ra. Viêm phổi thường xảy ra ở một thùy phổi, nhưng có thể gây tổn thương nhiều thùy khi vi khuẩn lây lan theo đường phế quản. Tình trạng viêm có thể lan đến màng phổi, màng tim. Viêm phổi có thể gây bệnh nhẹ hoặc nặng tùy vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và sức khỏe tổng thể.
Triệu chứng của viêm phổi khá giống các bệnh về đường hô hấp khác như sốt cao, ho, ho đờm. Trong giai đoạn khởi phát, các triệu chứng có thể rất mờ nhạt và thường bị bỏ qua. Đến giai đoạn toàn phát, người bệnh có thể sốt cao, khó thở, mệt lả. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể có những biến chứng nặng như áp xe phổi, viêm phổi hoại tử, xẹp phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi hay màng tim và có thể gây nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng não… Tuy nhiên, để được điều trị phù hợp thì người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hiện có 104 trẻ điều trị nội trú, trong đó 71 trẻ đang điều trị viêm phổi. Khác với mọi năm, viêm phổi thùy năm nay lại chủ yếu gặp ở đối tượng trẻ trong độ tuổi đi học. Đa phần các bậc phụ huynh chỉ phát hiện và đưa trẻ tới viện khi trẻ đã mệt nhiều, bệnh đã tiến vào giai đoạn nặng hơn.
Theo các bác sĩ, để phòng ngừa bệnh viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi nặng, việc đeo khẩu trang, nhất là nơi công cộng, lễ hội, tập trung đông người vẫn là cách hiệu quả nhất. Ngoài các biện pháp giữ vệ sinh chung, việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cũng được khuyến cáo để phòng ngừa viêm phổi.
Người bị bệnh hô hấp mạn tính, đái tháo đường, bệnh gan mạn tính, bệnh thận mạn tính, tình trạng suy giảm miễn dịch, nghiện rượu, người lớn tuổi cần tiêm vắc-xin phế cầu 5 năm/lần. Tiêm các loại vắc-xin chống vi rút, vi khuẩn khác theo nhu cầu.
Nam giới không hút thuốc lá, thuốc lào, không lạm dụng rượu bia và giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh. Đồng thời, có lối sống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng như: Ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ. Tất cả các trường hợp có biểu hiện của viêm phổi hoặc nghi ngờ viêm phổi đều cần đến gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán và điều trị. Người bệnh không nên chủ quan, tự điều trị hay tự mua thuốc kháng sinh về uống. Điều trị không đúng cách có thể dẫn đến bệnh nặng hơn, gây ra biến chứng và làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân thường chỉ đến bệnh viện khi phổi chụp xấu, nhiều vết đen, tổn đông đặc phổi. Đi liền với đó, bệnh nhân khó thở, mệt mỏi, đau nhức. Thời gian điều trị 10-14 ngày nếu đáp ứng thuốc tốt song cần được điều trị đúng cách. Bởi nếu điều trị sai, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nhiễm trùng ở phổi rồi lây lan sang máu và dần dần nhiễm trùng từ máu sẽ lây lan qua các bộ phận khác trong cơ thể.
Việc tích tụ dịch quá nhiều dễ gây ra tràn dịch màng phổi, điều này sẽ chèn ép lên phổi và gây khó thở. Các vùng nhiễm trùng ở phổi rất dễ trở thành các ổ áp xe. Ngoài ra, tình trạng viêm phổi có thể gây ra các tác động tiêu cực đến cơ quan khác như: Giảm huyết áp, nhịp tim, mất nhận thức.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()