Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:16 (GMT +7)
Không để sản phẩm thuỷ sản tồn đọng
Thứ 4, 10/11/2021 | 08:04:11 [GMT +7] A A
Do tác động của dịch Covid-19 khiến cho tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Thời gian này, cùng với tập trung cho công tác phòng, chống dịch, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp của tỉnh đã, đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thủy sản, hạn chế tình trạng tồn đọng thuỷ sản thời gian dài.
Doanh nghiệp vào cuộc tích cực
Dự báo từ nay đến cuối năm 2021, năng lực sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 60.600 tấn các loại. Trong đó, cần hỗ trợ tiêu thụ khoảng 28.492 tấn (15.570 tấn cá; 7.602 tấn hàu; 5.320 tấn ngao hoa, ngao hai cùi). Tiêu thụ thủy sản từ nay đến cuối năm được xác định còn gặp rất nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa có lúc bị gián đoạn, đầu ra của sản phẩm thủy sản thu hẹp, sản phẩm đã đến vụ thu hoạch, không thể bảo quản lâu; trong khi người nuôi trồng vẫn phải tiếp tục gối vụ để sản xuất.
Để giúp người NTTS trên địa bàn tỉnh giải quyết vấn đề “tắc nghẽn” chuỗi cung ứng, nhiều tổ chức doanh nghiệp, đoàn thể đã chung tay hỗ trợ kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra cho các mặt hàng thủy sản địa phương. Cụ thể, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND (ngày 15/9/2021) về tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản tỉnh đến cuối năm 2021, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho nông dân.
Theo đại diện của Công ty TNHH MTV Sổ xố kiến thiết Quảng Ninh cho biết: Đơn vị đã phát động chương trình hỗ trợ tiêu thụ thủy sản đến toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Trên tinh thần chia sẻ, giúp đỡ một phần với người dân trong tiêu thụ thủy sản, Công ty đã mua 1,5 tấn cá song. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phát động hỗ trợ tiêu thụ thủy sản tới người lao động Công ty và tận dụng các mối quan hệ để tìm kiếm thêm các doanh nghiệp, đối tác ủng hộ tiêu thụ thủy sản cho người dân trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.
Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cũng phát động hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn cá song và hàu cho người dân Vân Đồn. Ông Phạm Xuân Toàn, Chủ tịch Công đoàn Công ty, cho biết: Với tinh thần chung tay tiêu thụ thủy sản cho người dân để tái sản xuất mùa vụ, đơn vị đã thống nhất phương án cho người lao động Công ty mua cá song, hàu từ nguồn kinh phí của Công ty. Qua đó, đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 3 tấn cá song Vân Đồn. Đây là hoạt động thiết thực được đơn vị thực hiện thường xuyên để nâng cao đời sống cho người lao động Công ty. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục xem xét nhu cầu để hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trong tiêu thụ thủy sản.
Nhiều đơn vị, cơ quan đã vào cuộc, ủng hộ tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. Điển hình như: Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce, đã hướng dẫn thủ tục hồ sơ pháp lý đưa sản phẩm thủy sản tỉnh (cá song, ngao, hàu...) vào tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart+ trong và ngoài tỉnh; các nhà máy nhiệt điện, công ty cổ phần xi măng, doanh nghiệp SXKD trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản tới CBCNV-LĐ đơn vị.
Sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa này đã giúp người NTTS các địa phương trong tỉnh vơi bớt nỗi lo sản phẩm tồn đọng, có vốn để tái sản xuất. Chị Trần Thị Tuyết (HTX Dịch vụ nuôi trồng chế biến thủy hải sản Tâm Thảo) chia sẻ: Sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, công ty, cơ quan trên địa bàn tỉnh thực sự là cứu cánh cho chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này. Riêng gia đình tôi, từ tháng 9/2021 đến nay được hỗ trợ tiêu thụ 9 tấn cá song, gần 200 tấn hàu, 50 tấn thưng, sần... Tuy nhiên, lượng thủy sản còn tồn đọng chưa tiêu thụ được trong HTX vẫn rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay hỗ trợ tiêu thụ thủy sản của các doanh nghiệp, cơ quan, người dân trong và ngoài tỉnh thời gian tới".
Với sự chung tay của doanh nghiệp đã giúp cho người NTTS giải quyết đầu ra cho sản phẩm thủy sản của địa phương. Từ ngày 15/9 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ trên 15.483 tấn sản phẩm thủy sản các loại: Cá song 285,7 tấn, trị giá gần 43 tỷ đồng; các loại cá khác 154 tấn, trị giá gần 17 tỷ đồng; hàu nguyên vỏ gần 14.643 tấn, trị giá trên 87,8 tỷ đồng; ngao, thưng, sần gần 400 tấn, trị giá khoảng 18 tỷ đồng.
Chính quyền đồng hành
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc gỡ khó cho các hộ NTTS, hạn chế tối đa hàng hoá tồn đọng. Sở Công Thương đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan kết nối tiêu thụ thủy sản Quảng Ninh tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh; xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), tuần kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, các phiên chợ, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với Khu giới thiệu, bán sản phẩm thủy sản Quảng Ninh tại 6 địa phương Uông Bí, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái.
Mới đây, Sở Công Thương phối hợp với TP Móng Cái, huyện Hải Hà tổ chức thành công Khu bán hàng nông sản - thủy sản Quảng Ninh tại Móng Cái từ ngày 1-3/10/2021 và tại huyện Hải Hà từ ngày 7-10/10/2021. Trong đó có 10 gian hàng thủy sản tươi sống với các mặt hàng cá song, ngao, thưng, sần, hàu…; doanh thu bán hàng đạt trên 1,25 tỷ đồng. Sở Công Thương phối hợp với các huyện Đầm Hà (từ ngày 14-17/10/2021), huyện Ba Chẽ (từ ngày 21-24/10/2021) tổ chức Phiên chợ hàng Việt; trong đó có 20 gian hàng thủy sản tươi sống của các địa phương Vân Đồn, Móng Cái, Hải Hà, doanh thu đạt trên 1,3 tỷ đồng...
Riêng trong tháng 10/2021, hỗ trợ tiêu thụ thủy sản đạt 12.253 tấn sản phẩm các loại. Trong đó, các tuần xúc tiến, phiên chợ tại các địa phương tiêu thụ số lượng lớn. Cụ thể như, cá song 5,2 tấn; các loại cá khác gần 134 tấn; hàu 1.697 tấn; thưng, sần, ngao... 76 tấn. Còn lại là tiêu thụ tại các doanh nghiệp, tỉnh ngoài và xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Lào.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, trong quá trình kết nối tiêu thụ thủy sản cho người dân cũng cho thấy những khó khăn nhất định, khiến cho việc tiêu thụ còn hạn chế; như hồ sơ pháp lý của các cơ sở sản xuất, hộ NTTS chưa đảm bảo, gây khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ đi các tỉnh, vào các hệ thống phân phối hiện đại; các sản phẩm thủy sản cần hỗ trợ tiêu thụ, do chủng loại sản phẩm và đơn giá sản phẩm, đặc biệt là cá song, chưa phù hợp trong bữa ăn hằng ngày của người lao động, bữa ăn bán trú của trẻ em, học sinh tại các trường học, do đó ảnh hưởng tới việc tiêu thụ số lượng lớn.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường kết nối, tiêu thụ thủy sản, gắn với cuộc vận động “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các hộ SXKD sản phẩm thủy sản của tỉnh hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại điểm kinh doanh, phân phối lớn trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi cũng đề nghị các hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn tỉnh thúc đẩy, duy trì thường xuyên các chương trình khuyến mại đối với sản phẩm thủy sản trong tỉnh đã được bày bán tại đơn vị, nhằm thu hút người tiêu dùng, tăng cường sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản nội địa.
Với sự chung tay kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đã giúp cho thủy sản của tỉnh được quảng bá, tiêu thụ rộng rãi tới các thị trường, cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh... Qua đó, giúp cho người dân tái khởi động hoạt động NTTS, ổn định đời sống. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để khi dịch Covid-19 chấm dứt hoàn toàn, nhu cầu thị trường về mặt hàng thuỷ sản tăng lên, sẽ giúp cho Quảng Ninh đảm bảo được nguồn cung về cả số lượng và chất lượng cho các thị trường trong và ngoài nước.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()