Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 13:37 (GMT +7)
Không phải chuyện riêng nghề cá
Chủ nhật, 31/03/2013 | 04:20:21 [GMT +7] A A
Có một thời cách đây khoảng ba, bốn chục năm về trước, nghề cá Quảng Ninh từng nổi danh trong cả nước về năng suất và sản lượng đánh bắt. Điều này cũng dễ hiểu, bởi với lợi thế của một tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 250km, với những ngư trường lớn, ổn định, lại chủ yếu phân bố gần đất liền hay quanh các đảo kín gió, với nguồn hải sản dồi dào, phong phú, đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều loài thuộc loại quý hiếm v.v.. việc khai thác hải sản ở Quảng Ninh thuận lợi hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành giáp biển khác. Người ngư dân Quảng Ninh từ bao đời nay chẳng cần ra khơi xa vẫn có thể đánh bắt được các loài hải sản có giá trị cao.
Nhưng đó là “chuyện ngày xưa”; còn hiện nay, trữ lượng và chất lượng nguồn hải sản ven bờ biển Quảng Ninh đang có xu hướng ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Nhiều loài hải sản trước đây rất phổ biến, dồi dào thì nay đã trở thành đặc sản quý hiếm; thậm chí một số loài không còn thấy xuất hiện hoặc xuất hiện rất ít. Nguyên nhân thì ai cũng biết, đó là do sự khai thác bừa bãi, khai thác theo lối “huỷ diệt” bằng chất nổ, bằng điện v.v.. Và đặc biệt, là sự ô nhiễm môi trường biển do chất thải từ đất liền đổ ra, do rừng ngập mặn bị tàn phá v.v.. làm mất đi sự cân bằng sinh thái vốn có khiến cho các loài hải sản bị chết dần chết mòn…
Theo khảo sát đánh giá của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trữ lượng và chất lượng hải sản ở khu vực ven bờ biển Quảng Ninh càng ngày càng cạn kiệt, suy giảm. Đây là một thực tế đáng lo ngại. Điều này không phải bây giờ mới nhận thấy. Trên báo chí hay trong các hội nghị, vấn đề này vẫn thường được đặt ra! Tuy nhiên, dường như trong nhận thức của nhiều người, việc suy giảm nguồn lợi thuỷ sản chỉ liên quan đến… lợi ích của người ngư dân. Và công việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là của riêng ngành thuỷ sản mà thôi! Điều này dẫn đến tình trạng vì lợi ích cục bộ, lợi ích trước mắt, nên mặc dầu biết là công việc kinh doanh của mình có thể gây tác hại cho môi trường biển, gây tác hại cho sự sinh trưởng và phát triển bình thường của các loài sinh vật biển v.v.. nhưng nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vẫn cứ làm ngơ…
Bài học về sự lụi tàn hàng loạt diện tích rừng ngập mặn do đắp đầm nuôi tôm, do đổ đất lấn biển, do nước thải công nghiệp chưa được xử lý hoặc xử lý chiếu lệ, đổ ra v.v.. trong nhiều năm qua, đã minh chứng cho điều đó. Chính vì chỉ thấy cái lợi trước mắt của sự phát triển kinh tế mà giờ đây chúng ta đang phải tìm mọi cách để giải quyết hậu quả, đang phải tìm mọi cách để khôi phục lại sự phát triển bền vững của môi trường. Hay nói cách khác, sự suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi hải sản chỉ là “phần nổi của tảng băng”, là “tín hiệu đỏ” cho thấy sự nguy hiểm tiềm ẩn về tác động tiêu cực của thiên nhiên đối với môi trường sống nói chung. Và vì thế, cũng có thể nói, đây không phải là chuyện riêng của ngành thuỷ sản mà là vấn đề chung của cả cộng đồng, nó cần có sự phối hợp đồng bộ thống nhất giữa các ngành, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức v.v.. trên địa bàn. Điều này cần được quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc trong công tác chỉ đạo chung của các ngành, cũng như trong hoạt động thực tiễn sản xuất kinh doanh của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp v.v.. Bởi xét một cách tổng thể, đây cũng là một trong những biện pháp nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững theo hướng “tăng trưởng xanh” mà hiện nay Quảng Ninh đang hướng tới!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()