Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 23:57 (GMT +7)
Không thể chần chừ thêm nữa
Thứ 2, 03/11/2014 | 05:38:42 [GMT +7] A A
Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình toạ đàm “Doanh nghiệp đồng hành cùng Di sản” diễn ra vào chiều ngày 1-11. Nhiều đại biểu đã chỉ rõ những thực trạng còn tồn tại và hiến những kế hay để doanh nghiệp (DN) nỗ lực đồng hành cùng di sản.
Chuyên nghiệp và bền vững phải đặt lên hàng đầu
Cách đây 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đây là niềm vinh dự và tự hào của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này đã mở ra những triển vọng mới và cũng đặt ra trách nhiệm to lớn đối với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong việc bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả giá trị đặc biệt của Di sản. Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, ngày 1-11, tại Khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh đã diễn ra chương trình toạ đàm “Doanh nghiệp đồng hành cùng Di sản”... |
Lý do tại sao không thể chần chừ hơn nữa, đồng chí Nguyễn Văn Thành đã chia sẻ bằng một câu chuyện: Một nhóm khách du lịch quốc tế đã viết như thế này trên một trang mạng về cảm nhận sau chuyến đi đến Vịnh Hạ Long (VHL): “Chúng tôi vừa kết thúc một chuyến đi đầy thất vọng đến VHL do bị lừa đảo. Ðừng tin những gì Công ty lữ hành SC ở Cầu Gỗ - họ chính là những kẻ lừa đảo và trộm cướp” và “Cuối cùng thì chúng tôi cũng lên được bờ, tàu của chúng tôi giống như một trong những con cá chen chúc nhau trên vịnh! Mỗi nơi chúng tôi dừng lại hoặc ghé thăm đều thấy có người bán dạo đồ lưu niệm”. Đồng chí cho rằng, các cơ quan sẽ nhìn nhận về trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý nhà nước để chấn chỉnh kịp thời. Còn về góc độ các DN cũng rất cần có hành động cụ thể, quyết liệt như nói không với các đối tác không chuyên nghiệp, không uy tín… để chúng ta cùng nhau gìn giữ, bảo vệ “hòn ngọc” VHL. Đồng chí cho rằng, Quảng Ninh vẫn có nhiều thách thức cần giải quyết trong bài toán phát triển du lịch của tỉnh, đó là: Công tác huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập, hoạt động xúc tiến và quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương ra thị trường thế giới vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có tính chuyên nghiệp. Sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Di sản Hạ Long chủ yếu mới phát triển dựa trên các giá trị tài nguyên sẵn có và tập trung tại khu vực trung tâm...
Hòn Gà Chọi - một trong các điểm đến hấp dẫn du khách khi tham quan Hạ Long. Ảnh: Đại Dương |
Hơn chục năm gắn bó với Hạ Long, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn ra thực trạng: Hạ Long đứng trước thách thức là sự cạnh tranh; thách thức gia tăng về số lượng trong khi chất lượng thì rất thấp. Hiện nay giá khách sạn của Hạ Long có mức thấp nhất ở Việt Nam, với cách kinh doanh như thế thì không bao giờ có được chất lượng dịch vụ cao mà nó sẽ “giết chết” cả hệ thống khách sạn ở đây. Bên cạnh đó, áp lực về mặt môi trường và điểm đến còn nhiều vấn đề…
Ông Tuấn cũng thẳng thắn: Đã đến lúc VHL đừng quá quan tâm đến số lượng, số lượng không nói lên gì cả khi một khách du lịch chỉ chi có hai mươi mấy đô cho một chuyến du lịch thôi. Hiện tại Quảng Ninh đã tụt xuống vị trí thứ 5 trong doanh thu về du lịch sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà. Chỉ riêng thống kê doanh thu về khách sạn của Khánh Hoà thôi đã xấp xỉ doanh thu toàn bộ du lịch của Quảng Ninh rồi. Đấy là cảnh báo. Chất lượng và giá trị gia tăng một cách bền vững, hiệu quả KT-XH cao, mới là yếu tố quyết định. Vì thế, cộng đồng DN phải nhận thức ra điều này.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh du lịch đều có chung nhận xét về môi trường hoạt động của các doanh nghiệp ở đây, đó là, sự thiếu chuyên nghiệp trong phát triển du lịch; chưa có tính cạnh tranh trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; chất lượng dịch vụ, sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực, giá cả… còn thiếu chuyên nghiệp và bền vững. Đây là những thách thức lớn đặt ra với VHL mà cụ thể là chính DN. Không ai khác ngoài DN phải giải quyết những vấn đề này.
Liên kết là phương châm phát triển
Kết quả cuộc khảo sát điều tra do Tập đoàn Tư vấn Boston thực hiện đã cung cấp, trong số những khách du lịch được phỏng vấn đã đến Việt Nam, có 67% khách đã đi tham quan VHL. Những khách du lịch được phỏng vấn có chung ấn tượng tốt: Trong số những người được phỏng vấn đã tham quan VHL, có 58% đánh giá trải nghiệm của mình ở mức “tuyệt vời”, đây là thứ hạng cao nhất được đặt ra trong nội dung khảo sát. Như vậy, VHL và cộng đồng du lịch đang đứng trước cơ hội, vận hội lớn, đó là nền tảng để bước vào giai đoạn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, vai trò của DN trong sự phát triển của VHL luôn mang ý nghĩa quyết định. Theo ông, trách nhiệm của DN đối với di sản được thực hiện ở 5 yếu tố cơ bản: “Thứ nhất, DN phải là những người tiên phong trong việc thể hiện thái độ thân thiện với môi trường, bởi DN sẽ là đối tượng bị tổn thất đầu tiên nếu môi trường không đảm bảo. Thứ hai là vấn đề phát triển sản phẩm. Chính cộng đồng DN phải đề xuất ra những ý tưởng mới tạo ra những sản phẩm mới dựa trên những giá trị còn thiếu và những giá trị khác biệt, những yếu tố nổi bật của Vịnh Hạ Long và các vùng phụ cận. Thứ ba, cần tăng cường quảng bá, xúc tiến vì các DN hiện đang đi theo kiểu, mỗi DN tự bươn chải, quảng bá, xúc tiến cho mình nhưng vấn đề quảng bá, xúc tiến cho một điểm đến thì hầu như chưa. Vì thế DN phải liên kết đầy đủ, đồng bộ trong tạo sản phẩm, xúc tiến, trong hoạt động bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm để cùng đồng hành với nhau và liên kết chân thành hơn; liên kết với các địa phương có ngành du lịch mũi nhọn để tạo thành những tuyến du lịch hấp dẫn. Thứ tư, là vấn đề tạo dựng niềm tin cho điểm đến. Duy trì, kiểm soát chất lượng dịch vụ chính là cái tốt nhất để tạo dựng niềm tin cho điểm đến. Với Hạ Long, nếu không tạo ra được niềm tin, đây là một điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn, trung thực thì không bao giờ chúng ta định vị được thương hiệu cho du lịch Hạ Long. Chủ trương của Nhà nước là định vị, xây dựng Hạ Long trở thành thương hiệu quốc gia bởi Hạ Long hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành thương hiệu du lịch quốc gia. Và muốn như thế, chúng ta phải tạo được niềm tin cho điểm đến, đấy là chất lượng dịch vụ, là sự trung thực. Cần ngăn chặn ngay những hành vi kinh doanh kiểu chộp giật, lừa đảo trên Vịnh. Thứ năm, cần tập trung khai thác dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động, tạo giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, phải tập trung đào tạo nhân lực cho chính DN của mình để đảm bảo được yêu cầu”. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Không ai thay thế DN trong những câu chuyện này cả”.
“Không thể tách rời quản lý và kinh doanh”, ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định. Nếu chỉ nhìn với góc độ kinh tế thì sẽ không hoàn thiện; về góc độ quản lý nhà nước thì VHL là tiêu biểu của đất nước. Vì thế bộ mặt của Vịnh Hạ Long phải được đầu tư tốt hơn, chắc chắn phòng tuyến của nhân dân sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn về phía DN, nếu không còn Hạ Long thì không còn du lịch, nên các DN cần phải có trách nhiệm giữ gìn Vịnh Hạ Long. DN cần có trách nhiệm và tầm nhìn, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng dân cư, họ cùng được hưởng lợi thì mới giữ gìn được di sản to lớn này.
Ông Lân cho rằng, cần xem xét các nhà đầu tư có đủ tâm, tầm; phải quản lý chặt chẽ, tránh lợi ích nhóm. DN phải đầu tư bài bản, không phá vỡ môi trường cảnh quan, DN phải chấp hành tốt quy định pháp luật về môi trường, an ninh trật tự để bảo vệ, giữ gìn VHL. Trách nhiệm to lớn này đặt trên vai cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh.
Bà Lương Thị Bích, Chủ tịch CLB Lữ hành Móng Cái: “Nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp lữ hành” Có thể khẳng định rằng trong thời gian qua, doanh nghiệp du lịch nói chung, trong đó có doanh nghiệp lữ hành chúng tôi đã luôn kề vai sát cánh với cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành nhằm quyết tâm xây dựng ngành du lịch Quảng Ninh phát triển vững mạnh. Hoạt động du lịch tại Quảng Ninh đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều bước tiến quan trọng, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành. Chúng tôi đã luôn chủ động hợp tác chặt chẽ với các đối tác kinh doanh trong, ngoài nước tổ chức thành công hàng triệu lượt khách đến tham quan du lịch Quảng Ninh. Lượng khách đến với Vịnh Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung ngày càng gia tăng, tổng lượng khách Trung Quốc chiếm bình quân từ 30-40% lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh trong các năm qua. Con số này đã khẳng định, khách du lịch Trung Quốc vẫn thực sự là thị trường đầy tiềm năng mà du lịch Quảng Ninh cần tiếp tục chú trọng khai thác trong giai đoạn tới. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh: “Khai thác hiệu quả và bền vững Di sản” Không ai có thể phủ nhận, các giá trị và tiềm năng du lịch của Quảng Ninh và Vịnh Hạ Long đã, đang và tiếp tục mang lại nhiều cơ hội quý giá cho các doanh nghiệp du lịch, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động, đóng góp GDP quan trọng cho ngành kinh tế Quảng Ninh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cần có sự cân đối, hài hoà nhóm lợi ích này để đảm bảo phát triển bền vững. Cho nên, việc doanh nghiệp đồng hành cùng Di sản sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần phải tham gia vào chuỗi hoạt động quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy những giá trị Di sản. Bởi vì, công tác bảo tồn là theo định hướng của Nhà nước nhưng chính những doanh nghiệp du lịch là những chủ thể thực hiện khai thác và phát huy những ưu thế nổi trội của Vịnh Hạ Long. Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch bảo vệ môi trường, chia sẻ lợi ích của mình đối với cộng đồng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, có các sáng kiến bảo vệ môi trường một cách thiết thực. Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên: “Cần khai thác hợp lý di sản Vịnh Hạ Long” Để di sản Vịnh Hạ Long phát huy được những giá trị và đóng góp được nhiều cho xã hội, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, đầu tư khai thác hợp lý đi đôi với việc bảo tồn, giữ gìn di sản. Đây là mối quan hệ gắn bó mật thiết bởi nếu không có doanh nghiệp thì những giá trị của di sản sẽ giống như “người đẹp ngủ trong rừng” không được ai biết đến. Việc quảng bá hình ảnh di sản đến với du khách sẽ bị hạn chế và điều này không phát huy được giá trị của di sản. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã hơn hai mươi năm, chúng tôi cũng đã có sự kết nối với các đơn vị du lịch của Quảng Ninh, qua đó tổ chức nhiều hoạt động như hội nghị quảng bá du lịch Vịnh Hạ Long, phát các ấn phẩm về Vịnh cho du khách, do đó hàng năm, khách du lịch nội địa của Công ty đến với Vịnh Hạ Long khoảng từ 1.000 đến 1.200 khách, riêng khách nước ngoài cũng chiếm khoảng 40% tổng lượng khách của đơn vị. Ông Nguyễn Võ Kim Khôi, Phó Tổng Giám đốc Công ty khách sạn Sài Gòn - Hạ Long: “Doanh nghiệp cần có trách nhiệm với tài nguyên đang khai thác” Trong xây dựng chiến lược phát triển, đơn vị luôn xác định hai mục tiêu lớn: Thứ nhất, trở thành cầu nối uy tín và chất lượng cho du khách từ các địa phương trong nước đến với Hạ Long. Thứ hai, các tuyến điểm kết nối sản phẩm chính Vịnh Hạ Long, Yên Tử với các điểm phụ trợ khác như Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn, Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách tại Hạ Long và làm phong phú sản phẩm du lịch của Hạ Long… Hiện chúng tôi đang nỗ lực đa dạng hoá các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực… để tiếp tục đồng hành, cùng góp tiếng nói chung trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Ông Bùi Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hải Phòng: “Doanh nghiệp cần tiên phong trong công tác bảo vệ, làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long” Vịnh Hạ Long là thắng cảnh tuyệt vời, nên Hải Phòng coi Vịnh Hạ Long như là một thắng cảnh của mình và luôn kết nối đưa khách đến Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, Hạ Long cũng có những việc làm được, có cái chưa làm được, vì thế doanh nghiệp cần phải đồng hành, thế nhưng đồng hành như thế nào để vừa phục vụ lợi ích quốc gia, vừa bảo vệ, gìn giữ được di sản là vấn đề phải bàn. Theo tôi trước hết cần liên kết các doanh nghiệp lại với nhau, liên kết chân thành, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi. Bởi nếu chúng ta cứ mải mê với Hạ Long, nhưng không có các dịch vụ chất lượng, sản phẩm phong phú thì du khách sẽ chán. Vì thế chúng ta cần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để làm phong phú thêm các tuyến du lịch, thu hút du khách cho các điểm đến. Bên cạnh phát huy giá trị thì doanh nghiệp cần đồng hành, tiên phong trong công tác bảo vệ, làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long. |
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()