Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 18:11 (GMT +7)
Khủng hoảng nội bộ làm suy yếu liên minh Pháp - Đức trên chính trường EU
Thứ 4, 13/11/2024 | 13:39:07 [GMT +7] A A
Cuộc khủng hoảng chính trị trong nước ở Đức và Pháp đang đe dọa sự ổn định của liên minh Pháp-Đức, vốn được coi là trụ cột của EU. Với chính phủ gặp khó khăn ở cả hai quốc gia, sự lãnh đạo của họ trong các vấn đề quan trọng của châu Âu có thể bị suy yếu, gây khó khăn trong việc đưa ra một mặt trận thống nhất.
Theo trang tin Euronews.com ngày 12/11, cuộc khủng hoảng chính trị Đức và Pháp cùng những thách thức kinh tế đi kèm có thể làm suy yếu sự lãnh đạo của Pháp - Đức và ảnh hưởng đến khả năng của EU trong việc đưa ra mặt trận thống nhất trong các cuộc đàm phán quan trọng.
Tại Đức, chính phủ liên minh - gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh - đã sụp đổ sau khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, người cũng là Chủ tịch FDP. Điều này có thể dẫn đến cuộc bầu cử sớm vào đầu năm sau.
Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã giải tán Quốc hội vào tháng 6 vừa qua và kêu gọi bầu cử sớm sau chiến thắng bất ngờ của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Trong khi không ngần ngại nói về "cuộc khủng hoảng chính trị" ở hai quốc gia láng giềng, Jacob Ross, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách Đối ngoại Đức (DGAP), chỉ ra rằng Tổng thống Macron đã "bị cử tri Pháp từ chối" trong cuộc bầu cử châu Âu và bầu cử Quốc hội trước đó, nhưng Thủ tướng Scholz "bị chính các đối tác liên minh của mình từ chối".
Chuyên gia Ross nói thêm: "Cuộc bầu cử sớm sắp tới sẽ cho thấy liệu Thủ tướng Scholz có thực sự bị cử tri Đức từ chối hay đó chỉ là một cuộc khủng hoảng liên minh nội bộ".
Với chính phủ yếu ớt trong nước, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ chương trình nghị sự của họ tại cấp độ EU, đồng thời tạo cơ hội cho những nước khác tăng cường vị thế. Chuyên gia Ross cho rằng Vương quốc Anh, các quốc gia vùng Baltic và Trung - Đông Âu có thể hưởng lợi từ tình trạng này.
Hơn nữa, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng được cho là sẽ tìm cách khai thác sự bất đồng trong nội bộ EU để tiến hành các cuộc đàm phán song phương có lợi cho Washington, thay vì đối thoại với một EU thống nhất.
"Ông Trump rất quan tâm đến việc điều hành quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở cấp độ song phương, vì ông ấy biết rằng nếu ông ấy đàm phán riêng với (Thủ tướng Hungary) Viktor Orban, (Tổng thống) Emmanuel Macron, (Thủ tướng) Olaf Scholz hoặc người kế nhiệm ông ấy, ông Trump sẽ có nhiều quyền tự do hơn trong các cuộc thảo luận về thuế quan và quốc phòng châu Âu so với khi ông ấy đàm phán với một khối gồm 27 quốc gia thành viên EU có chung lập trường", chuyên gia Ross nói.
Ngoài ra, nguy cơ suy thoái đang bao trùm nước Đức trong năm thứ hai liên tiếp, có thể làm giảm thêm khả năng đóng vai trò lãnh đạo của Pháp - Đức. Sự suy yếu của Pháp - Đức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Ukraine, nếu các lãnh đạo EU không thể đưa ra một lập trường chung.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()