Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 21:25 (GMT +7)
Kiểm soát chặt giá cả hàng hoá, dịch vụ
Thứ 4, 23/07/2008 | 16:24:20 [GMT +7] A A
Từ 10 giờ ngày 21-7, xăng dầu bán lẻ trên toàn quốc đã đồng loạt tăng giá. Xăng A92 giá từ 14.500 đồng/lít tăng lên 19.000 đồng/lít; dầu diezen từ 13.950 đồng/lít lên 15.950 đồng/lít; dầu hoả từ 13.900 đồng lên 20.000 đồng/lít... Đây là đợt tăng giá xăng dầu cao nhất từ trước đến nay.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc tăng giá xăng dầu lần này là bất khả kháng, bởi lẽ theo chủ trương của Chính phủ là cố gắng ổn định giá các mặt hàng chiến lược từ nay đến cuối năm 2008. Tuy nhiên, do những biến động mạnh của giá dầu thế giới và khả năng bù lỗ của ngân sách có hạn nên buộc phải tăng giá để giảm bù lỗ và tiệm cận với giá xăng trong khu vực. Vậy là một lần nữa người dân phải chia sẻ khó khăn với nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hoá, dịch vụ chịu sự chi phối của quy luật cung - cầu và mặt bằng giá của thế giới. Điều này ai cũng hiểu. Nhưng ở đợt tăng giá lần này, với khoảng cách khá lớn, lại trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao nên không tránh khỏi gây “sốc” đối với người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt với mặt hàng xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, lĩnh vực dịch vụ và liên quan đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đã gây tâm lý lo lắng cho nhiều người về một đợt tăng giá hàng hoá mới.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ và ổn định giá cả thị trường trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao là một việc làm hết sức khó khăn và không đơn giản. Điều người dân mong muốn hiện nay là các cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường, không để giá các mặt hàng “ăn theo” giá xăng tăng một cách bất hợp lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chất đốt, nguyên vật liệu... Với các trường hợp cố tình vi phạm phải được xử lý nghiêm ngay từ đầu mới có tác dụng răn đe và không tạo ra “phong trào” tăng giá dây chuyền. Vừa qua UBND tỉnh có chủ trương hỗ trợ giá vé xe buýt và chi phí thuê bến bãi cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt là một cố gắng lớn của tỉnh nhằm bình ổn giá dịch vụ này. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh cũng phải chủ động tìm ra các giải pháp hữu hiệu để hợp lý hoá sản xuất, giảm chi phí nhiên liệu nhằm hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ. Qua đó góp sức cùng nhà nước chống lạm phát và tăng giá, ổn định đời sống nhân dân.
Liên kết website
Ý kiến ()