Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:41 (GMT +7)
Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm giải ngân đầu tư công
Thứ 5, 18/11/2021 | 08:55:58 [GMT +7] A A
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến kinh tế, xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là các chủ đầu tư phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện các công trình, dự án. Trong đó, tháo gỡ khó khăn đối với việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là giải pháp trọng tâm để bù đắp những lĩnh vực, ngành bị tác động của dịch bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các nguồn vốn trên địa bàn tỉnh đạt trên 62% kế hoạch năm, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 61,5%, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 60,3% và tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách huyện, xã đạt 64%.
Nhìn vào tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn cho thấy, mặc dù tăng so với cùng kỳ và đạt cao so với mức bình quân chung của cả nước, tuy nhiên kết quả này chưa đạt như kỳ vọng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Đây cũng là những khó khăn chung của nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Nhiều dự án tại các địa phương, mặc dù đã được bố trí đủ vốn theo quy định, song do người dân không đồng thuận với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thi công, không có khối lượng thanh quyết toán theo quy định. Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, thắt chặt việc đi lại giữa các địa phương, nhất là các địa phương có dịch, nên nhiều đơn vị nhà thầu thiếu nhân công lao động làm việc tại các công trường, cũng khiến cho tiến độ, khối lượng thực hiện không đảm bảo theo kế hoạch...
Ngoài ra, việc chuẩn bị đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện chủ động, tích cực. Đáng chú ý là nhiều dự án, công trình lập chủ trương đầu tư còn chưa sát, chưa phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, của địa phương; năng lực khảo sát, tư vấn, lập dự án còn thấp và yếu. Do vậy, dự án khi trình duyệt, thẩm định không đạt yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều, dẫn đến chậm được triển khai
Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua rà soát và cam kết của các chủ đầu tư, dự kiến đến hết ngày 31/12 sẽ còn hơn 1.400 tỷ đồng kế hoạch vốn không giải ngân được, tương tương 8,2% tổng kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh, như vậy sẽ làm giảm tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh xuống dưới 95%.
Để tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 trên 10%, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước đạt trên 51.000 tỷ đồng và giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, những tháng cuối năm, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Quảng Ninh đang quyết liệt hơn trong thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, tích cực tập trung thực hiện rà soát lại tiến độ, lập chi tiết triển khai các dự án, điều hoà kế hoạch vốn đảm bảo tiến độ giải ngân; yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, bồi thường, tái định cư, xử lý kịp thời khiếu nại của người dân. Quảng Ninh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải tranh thủ thời tiết thuận lợi, nâng cao năng lực thi công cả về trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình…; kiên quyết cắt giảm điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không đạt tiến độ theo các mốc thời gian quy định. Các địa phương, đơn vị cũng đang tăng tốc triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá XIV đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, phân bổ vốn đầu tư công của các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân và hoàn thành trong năm 2021. Theo đó, hơn 500 tỷ đồng vốn đầu tư công của các dự án chậm giải ngân được cắt giảm, điều chuyển sang các dự án có khả năng giải ngân và hoàn thành trong năm 2021.
Cụ thể, 3 dự án chậm tiến độ, gồm: Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại cao tốc Hạ Long - Hải Phòng), Đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338 giai đoạn 1 và dự án Cầu Cửa Lục 3. Số vốn này sẽ phân bổ cho công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư một số công trình, dự án có nhu cầu vốn lớn, như các dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại huyện Đầm Hà, đường gom cao tốc, xử lý các điểm ngập lụt trên đường tỉnh, mở rộng hồ chứa nước trên đảo Cô Tô; hỗ trợ TP Hạ Long, TP Cẩm Phả thực hiện các dự án trọng điểm cải tạo, chỉnh trang đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, mở rộng trường THPT Hòn Gai, đường vào cụm công nghiệp Cẩm Thịnh,... Vốn nông thôn mới của huyện Tiên Yên cũng được điều chỉnh giảm hơn 10 tỷ đồng để phân bổ cho các địa phương khác.
Theo đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Trong bối cảnh hiện nay, Quảng Ninh xác định đầu tư công là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động; bù đắp cho ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng… Vì thế, giai đoạn những tháng cuối năm, tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo, triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()