Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:43 (GMT +7)
Kinh nghiệm từ Thâm Quyến (Trung Quốc)
Thứ 3, 18/03/2014 | 14:33:06 [GMT +7] A A
Cách đây hơn 30 năm, Trung Quốc chủ trương tiến hành công cuộc cải cách mở cửa để thúc đẩy phát triển kinh tế. Với vị trí địa thuận lợi kết hợp với nhiều yếu tố khác, Thâm Quyến được “Tổng công trình sư” công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc khi đó là ông Đặng Tiểu Bình chọn thí nghiệm xây dựng mô hình đặc khu kinh tế đầu tiên của đất nước này.
Ba thập kỷ sau, ông Hồ Cẩm Đào khi ấy là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu này nhận định: “Sau 30 năm, Thâm Quyến đã đứng đầu đất nước về tiềm lực kinh tế. Sự phát triển của Thâm Quyến có thể được coi là một điều kỳ diệu trên thế giới về CNH-HĐH và đô thị hoá. Thâm Quyến đã đóng góp quan trọng vào cải cách và mở cửa của Trung Quốc”.
Một góc Thâm Quyến hôm nay. |
Những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc chủ trương cải cách mở cửa để phát triển, nhưng không biết vận hành theo quy cách nào và lộ trình ra sao, đặc biệt là chưa hoàn tâm yên tâm về những tác động, hậu quả và hệ luỵ của cải cách. Mục tiêu được Trung Quốc đề ra là cải cách và mở cửa kinh tế, nhưng phải đảm bảo được ổn định chính trị. Muốn đạt được mục tiêu này, cần phải tiến hành những mô hình thí điểm, tạo sự đột phá từ đó nhân rộng. Thâm Quyến được lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn để thí điểm xây dựng đặc khu kinh tế đầu tiên dù nơi này khi đó chỉ là một làng chài nhỏ. Lý do vì khu vực này rất gần Hồng Kông, một thị trường vốn lớn, có khoa học công nghệ phát triển, kinh nghiệm quản lý tốt do người Anh gây dựng và người dân 2 khu vực này sử dụng cùng ngôn ngữ nên thuận lợi trong giao tiếp.
Quá trình ban đầu khi xây dựng đặc khu kinh tế, Thâm Quyến áp dụng mức thuế thấp, thủ tục hành chính đơn giản và nhân công lao động rẻ, nên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp Hồng Kông. Các giáo sư ở Đại học Thâm Quyến so sánh: Muốn thu được mười tệ ở Hồng Kông, các nhà đầu tư phải bỏ ra sáu tệ. Nhưng nếu bước qua cầu để sang bên Thâm Quyến đầu tư, anh chỉ cần bỏ ra một tệ cũng sẽ thu được mười tệ. Vì thế, rất nhiều ông chủ ở Hồng Kông đã sang Thâm Quyến đầu tư, tạo cho nơi này thành công xưởng nhộn nhịp suốt ngày đêm. Số liệu thống kê cho thấy trong 33 năm qua, đặc khu kinh tế này đã thu hút hơn 30 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình gần 26% hàng năm. Từ một làng chài nhỏ, Thâm Quyến đã trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu và một đô thị lớn, hiện đại của Trung Quốc. Theo số liệu được niêm yết ở Bảo tàng Thâm Quyến thì năm 2012, thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt 20.000 USD, GDP đạt 1.295 tỷ nhân dân tệ. Hiện Thâm Quyến rộng 2.050km2 với trên 15 triệu dân.
Các giáo sư ở Đại học Thâm Quyến cho rằng: Đặc khu này đã hoàn thành sứ mệnh chính trị lịch sử của nó khi đem lại cho Trung Quốc sự vững tin vào thành công của công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế, đúc kết được cách thức vận hành quá trình cải cách và mở cửa trên phạm vi toàn quốc. Quá trình xây dựng, phát triển đặc khu kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là sự thành công của Thâm Quyến, theo giáo sư Cao Hưng Dân, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến thì cần có 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà.
Trung Quốc xây dựng các đặc khu kinh tế ở thời điểm mà các chế định pháp luật của quốc gia chưa hoàn chỉnh. Hơn 30 năm trước, Trung Quốc chủ yếu lãnh đạo đất nước bằng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng Cộng sản. Vì thế, việc phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền địa phương được “lập pháp” nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, những vấn đề không đi ngược lại với “thượng luật”, những quy định mà chính quyền trung ương chưa ban hành, không phải là vấn đề khó khăn với chính quyền trung ương Trung Quốc khi ấy. Việc chính quyền địa phương, các đặc khu kinh tế được phân cấp, uỷ quyền mạnh mẽ trong việc ban hành các văn bản pháp quy đã góp phần giải quyết nhanh, hiệu quả các vấn đề mà thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội đặt ra, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh chóng. Đây được coi là thiên thời đối với Thâm Quyến.
Bên cạnh Thâm Quyến là Hồng Kông, bên cạnh Chu Hải là Ma Cao, đây là những thị trường vốn dồi dào có thể thu hút để phát triển nhanh các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc. Giáo sư Cao Hưng Dân và nhiều giáo sư khác đều cho rằng, nếu không có Hồng Kông bên cạnh thì khó mà có được một Thâm Quyến như hôm nay. Cùng với Hồng Kông, Thâm Quyến còn thu hút được dòng vốn từ các thị trường khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, nhưng dòng tiền từ Hồng Kông đóng vai trò quyết định. Hồng Kông được coi là bình ắc quy chính cung cấp năng lượng cho Thâm Quyến toả sáng. Yếu tố địa lợi cũng rất quan trọng đối với sự thành công của việc xây dựng đặc khu kinh tế.
Đặng Tiểu Bình - “Tổng công trình sư” công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc vừa là “cha đẻ”, vừa là “bà đỡ” cho các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc nói chung, đặc khu kinh tế Thâm Quyến nói riêng. Mỗi khi có “sóng gió”, chính ông luôn là người khẳng định sự đúng đắn của việc xây dựng đặc khu kinh tế, giúp các đặc khu kinh tế, trong đó có Thâm Quyến phát triển. Cùng với ông, các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông và khắp năm châu, cùng các “chim phượng” - hàm ý chỉ những người tài năng đến từ phương Bắc của Trung Quốc đã chung sức, đồng lòng xây dựng đặc khu này. Đó chính là yếu tố nhân hoà cho Thâm Quyến được như hôm nay.
Chí Linh
Liên kết website
Ý kiến ()