Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:02 (GMT +7)
Kỳ bí những di tích cổ trên bến Cái Làng
Chủ nhật, 08/09/2024 | 14:34:24 [GMT +7] A A
Bến Cái Làng thuộc phía Đông Bắc xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn), là trung tâm của Thương cảng cổ Vân Đồn khi xưa. Trải qua gần một thiên niên kỷ với những biến đổi theo thời gian, diện mạo sầm uất của thương cảng xưa tuy không còn, nhưng tại khu vực này vẫn lưu dấu những di tích cổ hàng trăm năm tuổi: Ngôi miếu thờ vua Lý Anh Tông - người có công lập nên trang Vân Đồn, và giếng Hệu - giếng nước ngọt có từ thời Lý, được coi như “mắt làng”.
Giếng Hệu là giếng nước ngọt cổ duy nhất còn lại đến ngày nay trên bến Cái Làng, tồn tại gần 900 năm. Giếng có những tên gọi khác là giếng Hợi (do cư dân địa phương gọi chệch đi), giếng Rùa Vàng, giếng Tiên, giếng Ngọc, giếng Nước Mắt...
Theo những vị cao niên trong làng kể lại, giếng Hệu được đào từ thời Lý nhằm cấp nước sinh hoạt cho cư dân ở bến Cái Làng và các tàu buôn trong, ngoài nước cập thương cảng Vân Đồn. Thời gian đầu, dân trên đảo làm nhiều giếng để lấy nước ăn, nhưng chỉ được vài tháng, các giếng dần cạn, chỉ có giếng Hệu là lúc nào cũng đầy nước. Vì vậy, bên cạnh cung cấp nguồn nước ngọt duy nhất cho dân làng trên đảo, giếng Hệu còn mang tới phong thủy tốt, giúp dân làng làm ăn thuận lợi, trai gái trong làng khỏe mạnh, xinh đẹp, giỏi giang.
Giếng Hệu chỉ sâu khoảng 2 mét và lúc nào cũng đầy nước. Nước giếng trong mát nhìn được thấy đáy. Thành giếng được làm bằng đá và hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn cho đến nay. Điều đặc biệt là giếng nước nằm ngay sát biển, nước biển thường xuyên dâng cao nhưng nước trong giếng không hề bị nhiễm mặn. Mực nước trong giếng cũng không bị thay đổi dù trời mưa hay nắng hạn.
Tương truyền, các cô gái trong làng khi tắm nước giếng thì da trắng hồng, gội đầu bằng nước giếng tóc sẽ dài, đen và óng mượt. Do vậy mới có câu ca: “Khi đi tóc mới ngang vai/ Gội đầu giếng Hệu, tóc dài ngang lưng”. Các thuyền buôn khi xưa rời cảng đều ghé qua giếng Hệu lấy nước ngọt để dự trữ cho chuyến hành trình tiếp theo.
Xoay quanh giếng cổ cung cấp nguồn nước ngọt duy nhất ở đảo có nhiều thần tích huyền bí. Cái tên giếng Rùa Vàng xuất phát từ sự tích sau khi đào giếng xong, một thời gian sau trong giếng xuất hiện một con rùa vàng sống ở kẽ đá. Thi thoảng mọi người mới thấy rùa ngoi lên khỏi mặt nước. Dân trong vùng cho rằng đó là rùa thần cai quản giếng nước.
Ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên Trưởng Ban Văn hóa xã Quan Lạn và cũng là người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa xã đảo, cho biết: Trong số nhiều tên gọi của giếng Hệu, cái tên giếng Nước Mắt gắn với câu chuyện tình đầy lãng mạn của một đôi trai gái làng Vân và Liễu Mai gặp nhau bên giếng Hệu. Họ yêu nhau tha thiết, thường hẹn hò bên giếng Hệu, thề non hẹn biển sẽ nên vợ chồng trong tương lai.
Nhưng rồi, họ chưa kịp lấy nhau thì chàng trai phải ra trận chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc. Cô gái đợi chờ mòn mỏi, đêm đêm ra thành giếng nhớ thương khóc cạn nước mắt đến độ không còn nhìn được nữa. Nhiều năm sau chàng trai quay về, họ lại đưa nhau ra bên giếng kể chuyện về những tháng ngày xa cách. Một dòng nước mát lạnh từ đáy giếng phun lên mặt họ. Mắt cô gái bỗng sáng lại. Từ đó, giếng Hệu còn có tên là giếng Nước Mắt.
Từ giếng Hệu đi sâu vào trung tâm Cái Làng khoảng 1km có ngôi miếu cổ thờ vua Lý Anh Tông - vị vua có công lập ra trang Vân Đồn, hình thành Thương cảng Vân Đồn sầm uất trong lịch sử.
Ngôi miếu nhỏ nằm trên đỉnh một ngọn đồi thấp, dưới tán gốc đa cổ thụ và có nhiều cây cối xanh mát bao quanh. Đồi này dân địa phương thường gọi là đồi Đình. Đình Quan Lạn xưa cũng được dựng tại đây, sau này mới chuyển về Quan Lạn khi thương cảng không còn tác dụng trong việc giao thương buôn bán nữa.
Theo lời kể của ông Duyệt, ngôi miếu cổ được người dân Cái Làng lập nên cách đây hơn 300 năm để thờ vua Lý Anh Tông và tôn sùng ngài làm thành hoàng làng. Trong miếu có một pho tượng nhỏ bằng gỗ mít cũng có tuổi đời trên 300 năm.
Đến năm 1994, người dân địa phương đã lấy phiên bản tượng gốc ở miếu cổ này, đề xuất xin phục dựng tượng vua Lý Anh Tông để thờ ở đình Quan Lạn.
Cho dù trải qua cả thiên niên kỷ, lại tọa điểm ở một nơi sóng gió quanh năm, nhưng những di sản còn lại đến ngày nay trên bến Cái Làng, cùng dấu vết xưa của Thương cảng cổ Vân Đồn đã cho chúng ta những hình dung rõ nét hơn về những thế kỷ thịnh vượng trong giao thương của đất nước Đại Việt giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()