Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 19:04 (GMT +7)
Kỳ họp lần thứ nhất về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Thứ 6, 12/04/2024 | 12:14:00 [GMT +7] A A
Sáng 12/4, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức phiên họp trực tuyến với 28 địa phương có biển lần thứ nhất. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia chủ trì cuộc họp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường dự tại điểm cầu Quảng Ninh.
Giai đoạn 2018-2022, tỷ trọng GRDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp vào GRDP toàn quốc đạt 50,93%. Điều kiện cơ sở hạ tầng của các địa phương vùng biển đã có sự thay đổi rõ rệt, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các vùng, nhóm dân cư được thu hẹp so với mặt bằng chung, đời sống của người dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, kinh tế biển được tỉnh xác định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tỉnh cũng vẫn gặp phải một số khó khăn về: đào tạo nguồn nhân lực; hệ thống chính sách pháp luật về biển còn thiếu; phát triển kết cầu, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng; khó khăn về môi trường, nước biển dâng…Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số nội dung về giao các khu vực biển; phân cấp, phân quyền thực hiện giao biển cho cá nhân trong vùng biển 6 hải lý. Các bộ, ngành quan tâm xây dựng đề án phát triển khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; ban hành bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo. Đồng thời, ủng hộ các đề án do tỉnh đang xây dựng về phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Đề án phát triển khu kinh tế Vân Đồn; Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm Vịnh Hạ Long…
Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tập trung thảo luận, đề xuất về các nội dung: Phát triển tiềm năng, lợi thế của biển trong định hướng phát triển kinh tế biển địa phương; tăng cường năng lực quản trị biển, hải đảo; đẩy mạnh công tác tham gia bảo vệ môi trường biển, gắn với phát triển kinh tế địa phương; phát triển du lịch biển; logistics; thu hút đầu tư vào phát triển ngành nghề kinh tế biển; quy hoạch không gian biển; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cảng biển; sớm ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia để làm mục tiêu thực hiện…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biển tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()