Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:35 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII: ĐBQH tỉnh đóng góp vào các dự án luật
Thứ 5, 30/05/2013 | 20:38:53 [GMT +7] A A
Ngày 29-5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tiếp công dân và thảo luận về các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN). Các đại biểu của Quảng Ninh: Trần Xuân Hoà và Ngô Thị Minh đã có ý kiến tham gia.
Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, về đối tượng nộp thuế là cơ sở thường trú của DN nước ngoài đại biểu Trần Xuân Hoà, đề nghị thay cụm từ “hầm mỏ” bằng cụm từ “mỏ khoáng sản” vì cụm từ “hầm mỏ” dễ bị hiểu chỉ là mỏ hầm lò, trong khi mỏ khoáng sản bao gồm cả mỏ hầm lò và mỏ lộ thiên. Về thu nhập được miễn đề nghị bổ sung tiêu chí “Doanh nghiệp có số lao động bình quân trong năm dưới 20 người mà có số lao động bình quân trong năm từ 5 người trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS”; vì các DN có quy mô nhỏ về số lượng lao động sẽ dễ dàng được thành lập, tạo điều kiện cho người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận xin việc làm (thậm chí ngay gần nhà) và DN có động lực để tiếp nhận đối tượng này vào làm việc...
Đại biểu Trần Xuân Hoà tham gia phát biểu tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN. |
Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, đề nghị xem xét cách tính và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này sẽ rất khó khăn, phức tạp... Đối với DN khai thác khoáng sản thì chủ yếu phụ thuộc vào quy mô trữ lượng khoáng sản còn lại và điều kiện khai thác. Theo quy định của Luật Khoáng sản, vốn chủ sở hữu (CSH) phải bằng 30% tổng mức đầu tư; như vậy trong trường hợp này hệ số an toàn vốn nợ/vốn CSH sẽ là 70%/30%, bằng 2,33 lần. Nếu theo quy định trên thì tiền trả lãi vay của phần vốn vay vượt trên mức 2,33 lần vốn CSH sẽ không được trừ khỏi thu nhập chịu thuế. Điều này là không phù hợp và sẽ gây khó khăn cho các DN khai thác khoáng sản, bởi các lý do: (1) Tỉ lệ vốn nợ/vốn CSH bằng 2,33 lần là không phù hợp với thực tế hiện nay của các DN khai thác khoáng sản, nhất là đối với DN nhà nước. Tổng vốn đầu tư của một dự án khai thác mỏ rất lớn, lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu do Nhà nước cấp rất hạn chế, thậm chí hiện nay Nhà nước không cấp. DN không thể lấy đâu ra vốn chủ sở hữu bằng 30% tổng mức đầu tư của dự án. (2) Giá thành khai thác mỏ ngày càng tăng, nhất là giá thành khai thác than do điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu; nếu tiền lãi vay của phần vốn vay trên mức 2,33 lần vốn CSH không được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN thì DN lại càng khốn khó. Trong khi, được biết nguyên nhân của việc bổ sung quy định này lại là do thời gian qua một số DN FDI nâng khống tiền lãi vay từ công ty mẹ ở nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Nhà nước chỉ kiểm soát mức độ an toàn tài chính của DN và sự chính xác về số tiền trả lãi vay thông qua những quy định về phương pháp xác định tiền trả lãi vay một cách hợp lý để tránh lợi dụng nâng khống số tiền trả lãi vay như đã xảy ra vừa qua ở một số DN FDI và phải thực hiện chế độ kiểm toán, công khai minh bạch hoá tình hình tài chính và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự trung thực, chuẩn xác của các báo cáo tài chính. Do đó, đề nghị tất cả chi phí tiền trả lãi vay được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN. Đại biểu Trần Xuân Hoà còn tham gia về các nội dung thuế suất; áp dụng ưu đãi thuế suất 10% trong thời gian 15 năm.
Đại biểu Ngô Thị Minh sau khi phân tích, đề nghị giáo dục QPAN trong trường tiểu học và THCS cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đội và Đoàn, hạn chế tối đa việc làm gia tăng biên chế, bộ máy, nhằm đem lại hiệu quả cao trong giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tác phong quân đội cho học sinh, sinh viên; cần được thực hiện lồng ghép thông qua hoạt động của Đội và Đoàn. Do đó đề nghị sửa Điều 10 theo hướng: Giáo dục QPAN được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình kết hợp với hoạt động ngoại khoá và hoạt động của Đội, của Đoàn phù hợp với lứa tuổi để hình thành cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc...
Hiện các trường phổ thông của nhiều nước trên thế giới, họ đều quy định rất hạn chế số môn học bắt buộc, họ tăng số môn học tự chọn cho học sinh, nhưng các trường THPT của nước ta điều này chưa làm được. Nay các em lại tiếp nhận thêm môn học chính khoá này thì quả là sức nặng rất lớn đối với học sinh, sinh viên. Vì thế, dự thảo nên quy định đây là môn học điều kiện bắt buộc hàng năm và mỗi năm học nên bố trí học vào dịp hè hoặc vào dịp đầu năm học mới trước khi khai giảng và học liên tục từ 10-15 ngày tại các trung tâm hoặc các đơn vị quân đội có CSVC phù hợp, với hình thức học mà vui, vui mà học, hấp dẫn và phù hợp với lứa tuổi các em nhằm đem lại hiệu quả học tập thực sự cho các em...
Đại biểu Ngô Thị Minh cũng tham gia về các nội dung: Vai trò của Đoàn TN, của hội sinh viên trong việc kết hợp lồng ghép tổ chức hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khoá, dã ngoại; giảng viên, giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục QPAN. Đại biểu mong dự thảo luật điều chỉnh theo hướng này sẽ thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn người học.
Nguyễn mai - Ngô Sỹ Khảo
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()