Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:55 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XII: Ghi nhận qua một chương trình giám sát
Thứ 6, 19/07/2013 | 06:51:21 [GMT +7] A A
Trong tháng 4 và 5 vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát công tác thực hiện Luật Bình đẳng giới (BĐG) tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đoàn giám sát đã đến tận các thôn, bản, khu phố, công trường, phân xưởng tiếp xúc với người dân, người lao động để có sự đánh giá khách quan, toàn diện. Báo cáo giám sát và nghị quyết kết quả giám sát công tác này sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này.
Lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát
Nhận thức được tầm quan trọng của BĐG trong đời sống xã hội, những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phụ nữ và BĐG.
Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 và kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh giai đoạn 2000-2010, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các văn bản về BĐG, VSTBPN. Cùng với đó, tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác BĐG. Tỉnh đã lồng ghép yếu tố giới trong nhiều văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngày 25-6-2013. Ảnh: LƯU LINH |
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai, cụ thể hoá việc thực hiện BĐG với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh xây dựng quy chế phối hợp hành động với UBND tỉnh và các ban, ngành chức năng, trong đó có các hoạt động tham gia quản lý nhà nước về BĐG trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình...
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để Luật BĐG đi vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG bằng nhiều hình thức. Cụ thể, đã biên soạn và phát hành 50.000 tờ gấp „Thông tin về Luật Bình đẳng giới”, 500 cuốn sổ tay công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và BĐG, 6.250 sổ bỏ túi về pháp luật BĐG, in ấn 35.000 tờ gấp về kế hoạch hành động BĐG tỉnh giai đoạn 2011-2015 phổ biến đến tận cơ sở; truyền thông trực tiếp cho 2.325 lượt người tại 31 xã, phường thuộc Hải Hà, Hoành Bồ, Quảng Yên, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí; tổ chức 12 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác BĐG và tiến bộ phụ nữ cho 1.650 lượt lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác BĐG và VSTBPN ở các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh; tập huấn kiến thức về hoạt động BĐG cho 429 nữ đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011-2016.
Năm 2009, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật Luật Bình đẳng giới”, đã có gần 600 đơn vị xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, trường học trong tỉnh tham gia, với 102.115 bài dự thi. Năm 2012, tham gia hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật về BĐG do Bộ LĐTB&XH phát động, toàn tỉnh có 25.863 bài tham gia dự thi...
Công tác tuyên truyền đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và BĐG trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Hiệu quả rõ rệt
Số cán bộ nữ được bố trí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp tăng hơn so với giai đoạn trước: Tham gia BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 chiếm 14,5% (8/55), BTV Tỉnh uỷ chiếm 13,33% (2/15); cấp uỷ các huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc tỉnh chiếm 15,03% (89/592); đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016, cấp tỉnh chiếm 31,94% (tăng 4,8% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện chiếm 30,3% (tăng 3,84%), cấp cơ sở chiếm 28,76% (tăng 5,64%)...
Công tác quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đã được quan tâm hơn, đảm bảo tỉ lệ nữ cao hơn nhiệm kỳ hiện tại: Quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2015-2020 nữ chiếm 30,06%, BTV Tỉnh uỷ nữ chiếm gần 40%.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý nhà nước, lý luận chính trị đối với cán bộ nữ được coi trọng. Hàng năm, tỉ lệ nữ tham gia các chương trình đào tạo đạt trên 40%; các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là 36%. Tỉ lệ nữ có trình độ thạc sĩ tính đến năm 2012 là 453 người, chiếm 50,3% tổng số cán bộ có trình độ thạc sĩ trên địa bàn tỉnh.
Với nhiều chương trình lồng ghép, kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động nữ dôi dư trong quá trình sắp xếp lại sản xuất và chuyển đổi doanh nghiệp; trên 30.000 CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, đạt 46,6% tổng số CNVCLĐ toàn tỉnh. Hội LHPN các cấp xây dựng 20 loại mô hình phụ nữ phát triển kinh tế với 718 tổ (nhóm) và 1.573 hộ gia đình, thu hút 10.840 thành viên. Qua 6 năm đã có 2.499/4.541 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ được công nhận thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần ổn định cuộc sống.
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Luật BĐG, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản về việc thực hiện BĐG. Nghị quyết về kết quả giám sát công tác thực hiện Luật BĐG trên địa bàn tỉnh được thông qua là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt hơn nữa công tác này trên địa bàn tỉnh.
Châu Hoài Thu
(Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh)
THẲNG THẮN, TRUNG THỰC, KHÁCH QUAN VÀ TRÁCH NHIÊM CAO Đại biểu Phạm Hồng Thái, tổ Cẩm Phả: “Thực hiện tốt hoạt động giám sát và thẩm tra trước kỳ họp” Tuấn Hương |
Liên kết website
Ý kiến ()