Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 05:51 (GMT +7)
Kỳ thi "hai trong một"
Thứ 5, 02/07/2015 | 06:10:19 [GMT +7] A A
Ngày 1-7, ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Đây là kỳ thi được gọi là “hai trong một”, bởi kết quả của kỳ thi này vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa là cơ sở để xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy, học sinh không còn phải thi hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ như mọi năm nữa.
Mặc dù Quy chế thi THPT quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ tháng 2, nhưng chỉ khi kỳ thi bắt đầu thì không ít người, kể cả phụ huynh học sinh mới hỏi nhau về “hai trong một” nó thế nào.
Theo quy chế nói trên, thi THPT quốc gia nhằm mục đích: Lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Về môn thi, quy định thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc Sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn nói trên (3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn) và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT muốn để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thì phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.
Kỳ thi “hai trong một” nhằm thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng cho học sinh trong kết quả tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Quan trọng nữa, nó bớt đi gánh nặng một kỳ thi cho phụ huynh và học sinh. Để đảm bảo tốt kỳ thi mới này, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp vào chiều 9-3, tại trụ sở Chính phủ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Thủ tướng yêu cầu: “Đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo các cháu đã học thì phải thi có chất lượng, kết quả học tập trung thực, để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ, cũng như những cháu chỉ muốn tốt nghiệp THPT rồi đi làm việc. Ngay cả những cháu ban đầu chỉ muốn thi tốt nghiệp nhưng sau đó lại có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chúng ta cũng đều phải đáp ứng. Đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh; quyền quản lý của Nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo”.
Để thực hiện kỳ thi “hai trong một”, thí sinh dự thi được tổ chức thi theo cụm: Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ và cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Thí sinh Quảng Ninh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ tại TP Hải Phòng. Cụm thi liên tỉnh này gồm các thí sinh đến từ các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương. Cụm địa phương tỉnh Quảng Ninh có 25 điểm thi với tổng 307 phòng thi.
Quảng Ninh có 14.988 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 7.822 thí sinh dự thi cụm liên tỉnh tại TP Hải Phòng (chiếm 52,19%), 7.166 thí sinh thi tại tỉnh (chiếm 47,81%). Số liệu này cho thấy tín hiệu phân luồng sau tốt nghiệp THPT của Quảng Ninh tốt hơn các địa phương khác trong cả nước. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh thi ở cụm địa phương trong toàn quốc chỉ chiếm 30%. Những năm trước, tỷ lệ học sinh phổ thông không thi đại học chiếm 20%.
Dư luận xã hội vẫn còn nghi ngại “lỏng” với “chặt” trong việc coi thi giữa cụm liên tỉnh và cụm thi ở các địa phương, ảnh hưởng tới công bằng kết quả thi. Chính vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc ngay từ lần đầu tiên kỳ thi “hai trong một” có ý nghĩa hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận trong sự nghiệp phát triển giáo dục.
Để thực hiện được yêu cầu của kỳ thi “hai trong một” là nghiêm túc, khách quan, công bằng chúng ta phải thực hiện nghiêm quy chế thi, từ công tác ra đề thi, coi thi, chấm thi.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()