Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 07:53 (GMT +7)
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015: An toàn, nghiêm túc, thuận lợi
Thứ 2, 06/07/2015 | 05:30:52 [GMT +7] A A
Trải qua 4 ngày thi căng thẳng (từ 1 đến 4-7), kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã kết thúc. Không nằm ngoài sự kỳ vọng của người dân, kỳ thi “2 trong 1” này đã góp phần giảm áp lực thi cử cho các thí sinh cũng như toàn xã hội, là cơ sở để tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục. Mặc dù là năm đầu tiên tổ chức, song ở cả 8 môn thi, các thí sinh của Quảng Ninh đều bước vào với tâm thế tự tin.
Đề thi mang tính phân hoá cao
Đây là nhận định chung của nhiều giáo viên, phụ huynh và thí sinh đối với kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Đề thi cả 8 môn đều khá hay, có một tỷ lệ câu hỏi khó nhất định để phân hoá trình độ của thí sinh. Trong đó, đề thi các môn khối C khá mở, sát với thực tiễn; như rèn luyện kỹ năng sống được đưa vào đề Ngữ văn, chủ quyền biển đảo, biên giới được đưa vào đề Địa lý... Bùi Anh Phương, thí sinh Điểm thi THPT Đông Thành (TX Quảng Yên), chia sẻ: “Em thấy đề Ngữ văn năm nay khá hay. Đề thi có 2 phần là phần đọc hiểu và phần làm văn. Em rất thích câu hỏi 1 của phần làm văn rất thiết thực, ý nghĩa. Qua câu hỏi này chúng em được bày tỏ suy nghĩ của mình về việc rèn luyện kỹ năng sống, là kỹ năng cần thiết như việc tích luỹ kiến thức”. Hoàng Thuỷ Tiên, thí sinh tại Điểm thi THPT Đông Thành, thì nói: “Các câu hỏi của đề Văn đều nằm trong chương trình sách giáo khoa, không đánh đố thí sinh. Em tự chấm cũng phải được 6-7 điểm”. Còn với Đinh Ngọc Trường, thí sinh Điểm thi THPT Lê Hồng Phong (TP Cẩm Phả): “Đề thi Hoá có khoảng 1/3 số lượng câu hỏi khá khó, hóc búa, em không làm được. Tuy nhiên, 2/3 câu hỏi còn lại khá vừa sức, em làm tốt. Em tự tin mình được khoảng 6-7 điểm”.
Thí sinh Điểm thi THPT Đông Thành (TX Quảng Yên) trao đổi bài sau khi thi. |
Cô giáo Nguyễn Thị Kỳ Duyên, Trường THCS&THPT Lê Thánh Tông (TP Hạ Long), cho biết: “Đề thi cả 8 môn năm nay đều bám sát chương trình sách giáo khoa, nhưng vẫn có một lượng câu hỏi khó, mở nhất định, đòi hỏi các thí sinh phải nắm chắc kiến thức, tư duy, mới có thể đạt được điểm cao. Bên cạnh đó, các môn khối C như Văn, Sử, Địa, đề khá hay, tạo cơ hội để các thí sinh bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề thời sự về biển đảo, chủ quyền biên giới đang diễn ra trong nước, từ đó giúp các em sống có trách nhiệm hơn để cống hiến, bảo vệ Tổ quốc”. Chị Nguyễn Thị Minh, phụ huynh thí sinh tại Điểm thi THPT Uông Bí, nói: “Con tôi khá hài lòng về đề thi năm nay. Trong đó, tôi thấy cháu tâm đắc nhất với đề Ngữ văn, vì đề vừa sức, không đánh đố. Vì đã được thầy cô ôn luyện kỹ, nên cháu đều làm được bài”.
Nói về đề thi năm nay, đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Kỳ thi năm nay được tổ chức với 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì thế, đề thi cũng phải tích hợp để đảm bảo phân hoá trình độ học sinh”.
Không có sự phân biệt giữa hai cụm thi
Trước khi kỳ thi diễn ra, nhiều người lo lắng về sự “lỏng” và “chặt” ở 2 cụm thi tỉnh và cụm liên tỉnh. Trả lời câu hỏi về chất lượng coi thi giữa hai loại cụm thi tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi, đồng chí Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc ở cả hai loại cụm thi. Tất cả các cụm thi dù do địa phương chủ trì hay do trường đại học chủ trì đều có sự tham gia của giáo viên phổ thông và giáo viên đại học vào công tác tổ chức thi, chấm thi. Hai loại cụm thi chỉ khác nhau về địa điểm để tạo thuận lợi cho thí sinh nên sẽ đảm bảo chất lượng coi thi”.
Ở cụm thi tỉnh, tính nghiêm ngặt của kỳ thi được khẳng định qua trường hợp đình chỉ 1 thí sinh do mang điện thoại vào phòng thi (Điểm thi THPT Đông Thành, TX Quảng Yên). Thầy giáo Trần Văn Tân, Trưởng Điểm thi THPT Đông Thành, cho biết: “Ngay từ môn thi Toán đầu tiên, tại Điểm thi có 1 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi. Thí sinh này sẽ không được thi các môn còn lại theo Quy chế. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc này. Rút kinh nghiệm từ trường hợp này, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ coi thi tăng cường nhắc nhở các thí sinh thực hiện đúng Quy chế thi. Vì thế, trong các ngày thi, môn thi còn lại, không có thí sinh nào vi phạm. Công tác tổ chức thi tại Điểm thi nghiêm túc, an toàn”.
Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nên không thể tránh khỏi một vài hạn chế, thiếu sót, cần phải rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, kỳ thi tại Quảng Ninh diễn ra thuận lợi, an toàn, nghiêm túc. Hiện tượng gian lận thi cử đã được hạn chế, trường hợp vi phạm quy chế được xử lý theo đúng quy định. Hiện tượng vứt phao trắng sân trường không xảy ra. Tỷ lệ thí sinh dự thi/đăng ký đạt cao (các môn đều trên 99%).
Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh
Trong suốt 4 ngày thi, tình hình nắng nóng gay gắt liên tục diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Có những hôm nhiệt độ lên đến 39-40 độ C. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của ngành Điện, các thí sinh đã được làm bài thi thuận lợi nhất. Với việc huy động 100% cán bộ, nhân viên thường trực 24/24h, với 25 phương án cấp điện riêng cho 25 điểm thi, cả 4 ngày thi đều không xảy ra tình trạng mất điện ở các điểm thi. Các thí sinh, giám thị bị ốm nặng đều được các điểm thi phối hợp với ngành Y tế tỉnh cấp cứu kịp thời. Với sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn, không có thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn hay giao thông cách trở không đến được điểm thi. 85 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn thi tại cụm liên tỉnh ở Hải Phòng đã được Tỉnh Đoàn đưa đón tận nơi, an toàn, hỗ trợ ăn, ngủ, nghỉ. Tại các điểm thi, không có tình trạng ùn tắc giao thông, mất ANTT; không có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm.
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT, kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có 14.988 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó 7.166 thí sinh thi tại cụm thi tỉnh, 7.822 thí sinh thi tại cụm thi liên tỉnh ở Hải Phòng. Hết ngày thi thứ 3, tại cụm thi tỉnh, đã có 2/25 điểm thi hoàn thành kỳ thi (do không có thí sinh đăng ký thi các môn tự chọn Sinh học, Lịch sử) là THPT Cô Tô (huyện Cô Tô) và THPT Quan Lạn (huyện Vân Đồn). Môn Lịch sử, có 6 điểm thi chỉ có 1 thí sinh dự thi, là: THPT Đầm Hà, THPT Đông Thành, THPT Nguyễn Bình, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Quảng Hà, THPT Trần Phú. Tuy nhiên, các điểm thi này vẫn huy động, đảm bảo lượng cán bộ, giám thị coi thi, nhân viên phục vụ, lực lượng an ninh. Đồng chí Đinh Thị Luyến, Trưởng Điểm thi THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hạ Long), cho biết: “Điểm thi ở đây chỉ có 1 thí sinh dự thi môn Lịch sử, nhưng chúng tôi vẫn bố trí 1 phòng thi, 3 cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi; 7 lãnh đạo, cán bộ, thư ký; 6 phục vụ, bảo vệ, y tế.” Trần Thuý Hoa, thí sinh duy nhất thi môn Lịch sử tại Điểm thi THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói: “Em lựa chọn môn Lịch sử vì em rất yêu lịch sử Việt Nam. Mặc dù phải thi một mình nhưng em không hề mất bình tĩnh. Điểm thi đã tạo điều kiện để một mình em được thi thuận lợi”.
Với sự tạo điều kiện của ngành Giáo dục, sự phối hợp của các ngành liên quan, các thí sinh của Quảng Ninh đã hoàn thành các môn thi với tâm lý tự tin, kết quả tốt nhất.
Lan Anh - Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()