Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:55 (GMT +7)
Kỳ tích Quảng Ninh- Kỳ I: Mô hình tốt, quyết sách hay
Thứ 6, 13/09/2013 | 09:41:30 [GMT +7] A A
Chương trình đưa điện lưới quốc gia về vùng biên giới, thôn, khe bản đặc biệt khó khăn ở Quảng Ninh hợp tác với Tổng công ty Điện lực miền Bắc có thể nói là điển hình của sự hợp tác giữa địa phương với ngành điện.
Cắt băng khánh thành Dự án đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn tỉnh Quảng Ninh |
Đây là chương trình trọng điểm của Quảng Ninh nhằm phát triển hạ tầng- một trong 3 đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIII tỉnh đảng bộ Quảng Ninh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thông khẳng định: “Đây là thành công của mô hình tốt, quyết sách đúng về sự hợp tác giữa Quảng Ninh với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC). Quảng Ninh cùng với EVN NPC xác định việc đưa điện lưới về thôn bản và ra vùng biển đảo Cô Tô không phải trách nhiệm chỉ riêng của ngành điện và ngành điện cũng xác định, đây không phải trách nhiệm riêng của tỉnh Quảng Ninh…”.
Cùng chung nhịp đập
Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc bàn giao điện nông thôn về cho ngành điện quản lý từ năm 2009. Ngay sau đó, lãnh đạo EVN NPC đã về Quảng Ninh làm việc, kiểm tra kết quả việc bàn giao lưới điện nông thôn về ngành điện. Trong buổi làm việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã cùng với Tổng giám đốc EVN NPC Nguyễn Phúc Vinh và lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh bàn quyết tâm hoàn thiện đầu tư lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, theo kế hoạch ban đầu, dự án chia làm 4 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, Quảng Ninh và EVN NPC đã thống nhất lồng ghép các giai đoạn, hoàn thành dự án sớm hơn dự kiến 1 năm. Với kết quả này, Quảng Ninh là tỉnh miền núi đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành đầu tư điện lưới quốc gia đến 100% khu vực thôn, khe bản trên đất liền.
Đồng chí Đỗ Thông cho biết: “Quảng Ninh và EVN NPC xác định việc đưa điện về nông thôn ở vùng sâu, vùng xa không phải trách nhiệm riêng của ngành điện và ngành điện cũng xác định đây không phải trách nhiệm riêng của Quảng Ninh. Bởi vì trước đây Quảng Ninh cũng đã từng đầu tư lưới điện nông thôn, hoàn toàn vốn của địa phương và Quảng Ninh cũng không xác định rằng ngành điện muốn bán điện thì phải tự đầu tư. Chúng tôi muốn khẳng định, kết quả thành công trước hết là kết quả của sự hợp tác, sự quyết tâm của EVN NPC với tỉnh Quảng Ninh trong sự phối kết hợp cùng triển khai dự án điện nông thôn và dự án điện lưới ra đảo Cô Tô đang thực hiện”.
Phát biểu tại Lễ tổng kết đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn khu vực Quảng Ninh 2011 - 2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nêu rõ: “Bộ Công Thương đánh giá cao mô hình hợp tác phát triển điện nông thôn của Quảng Ninh với nhiều sáng tạo và quan trọng hơn cả, Quảng Ninh thực sự coi việc này là việc của địa phương”.
Được biết, tại hội nghị sơ kết công tác 7 tháng đầu năm 2013 của EVN NPC, khi đề cập về 2 dự án ở Quảng Ninh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Nguyễn Phúc Vinh đánh giá: “Điện nông thôn khu vực Quảng Ninh vừa khánh thành là dự án được đánh giá rất cao. Còn dự án đưa điện ra đảo Cô Tô, với tổng đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó EVN NPC đầu tư gần 300 tỷ đồng, còn lại tỉnh huy động khoảng 900 tỷ đồng. Cả hai dự án đều có sự gắn kết, phối kết hợp quyết liệt giữa tỉnh và ngành điện. Điều này rất quý và hiếm”.
Địa hình khó khăn, điện nông thôn được thi công chủ yếu bằng thủ công và sức người vận chuyển vật tư, thiết bị. |
Quyết sách đúng
Biến cam kết thành hành động cụ thể, dự án điện nông thôn đã được hoàn tất từ ngày 9-6-2013, vượt trước 1 năm so với yêu cầu về thời gian. Hơn hết, dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô khởi công từ ngày 4-11-2012, đi tiên phong trong công nghệ cáp ngầm vượt biển, khó khăn thách thức chồng chất, nhưng cả chủ đầu tư và các nhà thầu đều quyết tâm hoàn tất công trình đúng tiến độ.
Với cả 2 dự án, EVN NPC và địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao về mọi mặt cùng cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh. Trong tổng mức đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn hơn 376 tỷ đồng, ngành điện đầu tư hơn 222 tỷ đồng, Quảng Ninh đóng góp trên 153 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ lãi suất vốn vay trong vòng 3 năm cả phần vốn do EVN NPC đầu tư cho dự án.
Điều nan giải nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo Trưởng phòng quản lý xây dựng điện (Công ty Điện lực Quảng Ninh) Vũ Thị Hương: “Nói thì rất ngắn, chỉ bốn cái gạch đầu dòng, nhưng nếu không có cách làm sáng tạo, riêng khâu GPMB làm nhanh cũng phải mất một năm rưỡi và như vậy không thể hoàn thành điện nông thôn trong 2 năm. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất chỉ đạo cả hệ thống chính trị các cấp vận động người dân, có khu vực thì hiến đất để kéo điện, có những khu vực cứ tiến hành kéo điện và kéo điện đến đâu, ảnh hưởng của thi công dự án thế nào, sẽ giải quyết hỗ trợ cho người dân đến đó. Đây được đánh giá là một quyết sách hay và chính quyết sách này đã đưa đến thành công cho dự án điện nông thôn vượt trước về thời gian”.
Dự án điện nông thôn hoàn thành, đối tượng được thụ hưởng đầu tiên, có thể nói chính là người dân vùng biên giới, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.
Theo: Báo Công thương
Liên kết website
Ý kiến ()