Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:47 (GMT +7)
Kỳ tích Quảng Ninh - Kỳ II: "Phép màu" tạo kỳ tích
Thứ 6, 13/09/2013 | 09:50:45 [GMT +7] A A
Ngoài mô hình tốt, quyết sách đúng, còn yếu tố nào để Quảng Ninh tạo kỳ tích cho dự án điện nông thôn và kéo điện lưới ra biển đảo?
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đưa điện ra Cô Tô |
Niềm tin được gửi đúng chỗ
Thời gian đầu, dự án điện nông thôn Quảng Ninh vận hành không được như mong muốn. Có ý kiến đề xuất, Công ty Điện lực Quảng Ninh là đơn vị thành viên của EVN NPC trên địa bàn, đã thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền các cấp và các ban, ngành địa phương. Nếu ủy quyền cho Công ty điện lực Quảng Ninh làm chủ đầu tư sẽ phát huy được mối quan hệ, tạo sức mạnh hợp tác với hệ thống chính trị của tỉnh trong việc thực hiện dự án.
Thấy ý kiến đề xuất có cơ sở, Chủ tịch, Tổng giám đốc EVN NPC Nguyễn Phúc Vinh đã họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh bàn thấu đáo vấn đề và quyết định ủy quyền cho Công ty Điện lực Quảng Ninh trực tiếp làm chủ đầu tư dự án điện nông thôn và dự án điện Cô Tô.
Về quyết định quản lý vốn đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, không ai sâu sát bằng những người của ngành điện nên ủy thác việc quản lý toàn bộ nguồn vốn cho EVN NPC. EVN NPC cũng ủy quyền giao Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý vốn và trực tiếp triển khai thực hiện dự án.
Thực tế, Công ty Điện lực Quảng Ninh cùng các nhà thầu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức ngoài sức tưởng tượng. Dự án điện nông thôn không chỉ vượt tiến độ thời gian mà còn đảm bảo về chất lượng và yêu cầu an toàn (cho thiết bị, cho người thi công và tài chính).
Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh Phùng Ngọc Phong tâm sự: “Dự án điện nông thôn và đặc biệt dự án đưa điện ra đảo Cô Tô là những dự án quá quan trọng. Khi được lãnh đạo địa phương và EVN NPC đặt niềm tin, chúng tôi đều cam kết thực hiện dự án một cách tốt nhất”.
Công trình vì người dân, người dân vì công trình
Dự án điện nông thôn được triển khai trên địa bàn 12 huyện, thị xã và thành phố với quy mô xây dựng 267,4 km đường dây trung áp, 179 trạm biến áp, tổng công suất 11.479 kVA; 429 km đường dây hạ áp và công tơ đo đếm, cấp điện cho 9.402 hộ dân ở 182 thôn, khe bản. Riêng dự án đưa điện ra Cô Tô đầu tư trên 1.100 tỷ đồng, cung cấp cho hơn 1. 500 hộ dân, gần 6.000 nhân khẩu. Ý nghĩa chính trị, kinh tế- xã hội, an ninh - quốc phòng của hai dự án rất lớn.
Hoàn thành đầu tư điện lưới nông thôn cũng là tiêu chí trong chương trình nông thôn mới. Dự án góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo phên dậu vững chắc, góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc. Khi điện lưới đã tới huyện đảo Cô Tô, nơi đây sẽ trở thành điểm đến của khách du lịch, trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất của cả vùng phía bắc vịnh Bắc bộ, trở thành một pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Không thể kể hết những giá trị to lớn của công trình đem lại, nhưng chỉ tính riêng giá trị đầu tư, thì mỗi người dân Cô Tô sẽ được thụ hưởng khoảng 200 triệu đồng từ dự án” - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Đối tượng được thụ hưởng trực tiếp là người dân trong khu vực dự án. Tuy nhiên, ở dự án điện nông thôn, sự đồng lòng không phải chỉ nằm ở dân số trong khu vực dự án mà còn lan rộng. Người hiến đất, người hiến cây, không chỉ cá nhân, nhiều doanh nghiệp “dâng” cả chục hecta rừng keo, rừng gỗ bạch đàn cho công trình.
Giải phóng mặt bằng: Khó mà dễ!
Trong quá trình thực hiện dự án đưa điện về thôn, khe bản và vùng biên giới, chúng tôi đã gặp nhiều nhà thầu thi công xây lắp: Công ty Phát triển công nghệ hệ thống, Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Minh, Công ty TNHH Duyên Hà… Tất cả họ đều chung ý kiến, Quảng Ninh đã làm rất tốt công tác dân vận.
Giám đốc Công ty Phát triển công nghệ hệ thống Mạc Đăng Khoa cho hay, công ty của anh thi công điện nông thôn tại khắp các tỉnh miền Bắc, nhưng có thể nói Quảng Ninh là số 1 trong việc chỉ đạo quyết liệt, vận động tạo đồng thuận cao của nhân dân cho dự án, nhất là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Nguyễn Bá Hoàn - thâm niên hơn 40 năm làm việc trong ngành điện - đã từng trực tiếp thi công và giám sát hàng trăm công trình điện, trong đó có công trình siêu lớn, như đường dây 500 KV cũng thừa nhận, công tác dân vận ở Quảng Ninh có sự thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân ở mọi khâu. Trong đó, tốt nhất là công tác GPMB - khâu quyết định thành bại của dự án.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Mai Tuấn Phượng hé lộ, tiền đền bù GPMB dự kiến trên 3 tỷ đồng; nhưng không phải đụng đến một đồng nào vì 100% người dân tình nguyện hiến đất.
Hơn thế, theo chia sẻ của Giám đốc Phùng Ngọc Phong: “Trong tất cả các khâu khó nhất của xây dựng cơ bản ngành điện, số 1 vẫn là GPMB. Làm những dự án này, không ít lần đích thân các đồng chí bí thư, chủ tịch các địa phương đi cùng chúng tôi để GPMB”.
Theo: Báo Công Thương
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()