Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:16 (GMT +7)
Kỳ vọng '2% ngân sách' và '7% GDP' của ngành văn hóa
Thứ 5, 25/11/2021 | 11:11:43 [GMT +7] A A
Từ nay đến năm 2030, Bộ trưởng Văn hóa kỳ vọng vào việc tăng ngân sách đầu tư cho văn hóa và tạo thêm nguồn thu từ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật.
Chiều 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc tiếp tục diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội). Chủ trì phiên làm việc buổi chiều có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết phiên làm việc buổi chiều tập trung quán triệt chiến lược văn hóa đến 2030; tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước, tìm giải pháp để chuyển hóa nhận thức, hành động, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội.
"Việc triển khai đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa trong thực tiễn còn chậm. Việc xây dựng hệ giá trị về văn hóa, con người Việt Nam triển khai chậm. Vì sao chậm? Do cơ chế chính sách, do pháp luật hay do tổ chức thực hiện... còn điểm nghẽn nào hay không, chúng ta cần làm sáng tỏ", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu ra các vấn đề.
4 mục tiêu phát triển văn hóa
Tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng đã liệt kê một số nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược là bước cụ thể hóa quan điểm về văn hóa được nêu trong Văn kiện đại hội XIII của Đảng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định việc xây dựng và thực hiện chiến lược phải dựa trên các trụ cột như đột phá thể chế, năng lực sáng tạo, chính sách đầu tư cho văn hóa...
Ông dẫn chứng hiện cả nước có 3.581 di tích quốc gia. Nhưng thời gian qua, chúng ta không có tiền để đầu tư cho những di tích này, nhiều di tích bị xuống cấp. "Làm sao để di tích trở thành báu vật của quốc gia như Tổng bí thư đã khẳng định", ông Hùng nêu vấn đề.
Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được xây dựng với 4 phần. Phần mở đầu xác định sự cần thiết, phạm vi, đối tượng, mục tiêu xây dựng chiến lược. Phần 2 là đánh giá thực trạng phát triển văn hóa đến năm 2020. Các phần còn lại tập trung làm rõ mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2030, giao nhiệm vụ cho cấp, ngành thực hiện.
Chiến lược phát triển văn hóa thể hiện 5 quan điểm lớn. Một là định hình văn hóa và xác định vị trí của văn hóa. Hai là xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ba là xây dựng văn hóa gắn với xây dựng con người. Bốn là phát huy mọi nguồn lực phát triển văn hóa. Năm là phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trên thế giới.
Từ các quan điểm trên, Chiến lược văn hóa đặt ra 4 mục tiêu gồm: (1) Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người Việt Nam toàn diện. (2) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. (3) Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng. (4) Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.
Kỳ vọng 2% ngân sách đầu tư cho văn hóa
Trên cơ sở 4 mục tiêu lớn được nêu trong Chiến lược phát triển văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng liệt kê 8 mục tiêu cụ thể phải hoàn thành vào năm 2030. Các mục tiêu hướng đến việc Nhà nước đầu tư thêm ngân sách cho văn hóa và văn hóa tạo ra giá trị cho nền kinh tế.
Cụ thể, từ nay đến 2030, Chính phủ phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm; cùng với đó phấn đấu để giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo... đóng góp 7% GDP. Mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt 7%.
Đến năm 2030, 100% tỉnh, thành phố có đủ 3 loại hình thiết chế gồm Trung tâm Văn hóa, bảo tàng, thư viện. 100% đơn vị hành chính cấp huyện, xã có trung tâm văn hóa - thể thao.
Về công tác bảo tồn di tích, Chính phủ đặt mục tiêu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Khoảng 70% số di sản trong danh mục di sản văn hóa vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có ít nhất 5 di sản được UNESCO ghi danh.
Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và 80% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ các hoạt động văn hóa.
85% địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được danh hiệu văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phong trào thi đua khác. Xây dựng văn hóa gia đình hiện đại, văn minh.
Hàng năm, cả nước sẽ có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.
Chính phủ cũng phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật.
Đến năm 2030, cả nước có từ 1 đến 3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()