Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 08:53 (GMT +7)
Kỳ vọng nhóm sản xuất có dư địa phát triển
Thứ 7, 08/10/2022 | 13:35:14 [GMT +7] A A
Bước vào quý IV, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP toàn ngành năm 2022 là 4,5%, con số tăng trưởng GRDP toàn ngành nông nghiệp 3 tháng cuối cùng của năm được đặt ra là 6,08%. Với mức tăng trưởng này, cần sự chuyển động mạnh mẽ, có tính bứt phá của các hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.
Những nỗ lực đáng ghi nhận...
Có thể thấy, trong 9 tháng qua, những điểm nhấn của ngành nông nghiệp Quảng Ninh là tổng sản lượng lương thực đạt 106.354 tấn, tăng 2,66% so với cùng kỳ, bằng với kịch bản tăng trưởng của ngành đề ra. Tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng là 80.520 tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ, bằng kịch bản tăng trưởng. Tổng diện tích trồng rừng tập trung là 12.893,6ha, tăng 9,35% so với cùng kỳ và tăng 9,59% so với kịch bản; trong đó riêng chỉ tiêu trồng rừng lim, giổi, lát đạt 2.200ha, tăng 10% so với kế hoạch Tỉnh ủy giao (2.000ha), bằng 92% so với kế hoạch phấn đấu UBND tỉnh giao (2.500ha).
Tổng sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 675.062 m3, tăng 64,18% so với cùng kỳ và tăng 31,11% so với kịch bản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 115.986 tấn, tăng 8,21% so với cùng kỳ, tăng 2,63% so với kịch bản; trong đó sản lượng thủy sản khai thác đạt 57.157 tấn, tăng 2,66% so với cùng kỳ, tăng 5,49% so với kịch bản, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 58.829 tấn, tăng 14,94% so với cùng kỳ, bằng mức tăng trưởng kịch bản đề ra…
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn, để đạt được những kết quả kể trên, một trong những tác nhân quan trọng là việc kiểm soát tốt, phát hiện sớm, xử lý phòng chống dịch bệnh hiệu quả trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Trong 9 tháng qua, vẫn ghi nhận việc cây mạ, lúa, dong riềng, cây lâm nghiệp bị sâu bệnh, tuy nhiên diện tích thiệt hại giảm mạnh so với mọi năm. Riêng diện tích lúa nhiễm bệnh là 3.417,7ha, giảm 1.325,7ha so với năm 2021.
Trong chăn nuôi, các ổ dịch giảm đến 90% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh chỉ ghi nhận 9 ổ dịch, bao gồm 8 ổ dịch tả lợn châu Phi và 1 ổ dịch dại trên chó. Cũng như vậy, dịch bệnh trên thủy sản giảm mạnh so với cùng kỳ, với diện tích bị nhiễm bệnh chưa tới 5% tổng diện tích nuôi. Con số cụ thể là 52,45ha tôm và nhuyễn thể bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng. Đối tượng cá biển và cá nước ngọt không xuất hiện dịch bệnh.
Đối với ngành chăn nuôi, 9 tháng qua có thể coi là thời điểm rất khó khăn khi chi phí đầu vào, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi sản phẩm đầu ra lại giảm. Trong bối cảnh đó, sự chuyển dịch về cơ cấu vật nuôi, quy trình chăn nuôi, thay thế nguồn thức ăn công nghiệp bằng nguồn thức ăn tại chỗ... để thích ứng của doanh nghiệp chăn nuôi, các trang trại, gia trại và từng nông hộ là khá nhanh và hiệu quả.
Tính đến hết tháng 9, tổng đàn lợn của toàn tỉnh là 303.303 con, tăng 15,7% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ sau cao điểm dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đến nay. Trong lĩnh vực thủy sản, diện tích nuôi được mở rộng thêm hơn 52ha, tác động mạnh đến việc nâng sản lượng...
...và sự điều chỉnh cần thiết
Bước vào 3 tháng cuối cùng của năm, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp đặt ra khá nặng nề, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vũ Duy Văn, mức tăng trưởng của quý IV phải đạt 6,08% thì ngành nông nghiệp tỉnh mới có thể đạt được mức tăng trưởng năm 2022 là 4,5%, như mục tiêu đã đề ra.
Được biết, để đạt mục tiêu trên, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã đưa ra giải pháp chỉ đạo, điều hành trong 3 tháng cuối năm. Cụ thể, tăng 2 chỉ tiêu của ngành có dư địa tăng trưởng, bao gồm: Tăng sản lượng gỗ khai thác năm 2022 đạt 700.000m3, tăng 73.740m3 so với kịch bản của tỉnh, tăng 15,9% so với cùng kỳ; tăng tổng sản lượng thủy sản cả năm lên 160.873 tấn, tăng 3.873 tấn so với kịch bản của tỉnh, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản là 83.834 tấn, tăng 834 tấn so với kịch bản, tăng 12,4% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác thủy sản 77.039 tấn, tăng 3.039 tấn so với kịch bản, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng cuối năm, toàn ngành giữ nguyên 2 chỉ tiêu là: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 106.900 tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ; diện tích trồng rừng tập trung 12.758ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Giảm 1 chỉ tiêu là sản lượng lương thực có hạt đạt 221.354 tấn, đạt 98,8% so với cùng kỳ (giảm 5.948 tấn so với kịch bản).
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn phân tích: Cơ sở để điều chỉnh kịch bản tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm dựa trên dư địa phát triển của mỗi ngành. Thời điểm cuối năm, trong khi là vụ thu hoạch của thủy sản, của khai thác gỗ, thì lại là thời điểm kết thúc vụ trồng rừng, kết thúc vụ canh tác cây có hạt, các nông hộ chuyển sang canh tác rau màu và cây vụ đông.
Riêng lĩnh vực thủy sản, tốc độ tăng trưởng của ngành này trong 9 tháng qua tương đối ổn định. Kết thúc 9 tháng đã đạt mức tăng trưởng 8,2% so với cùng kỳ, đạt gần 80% kế hoạch so với kịch bản tăng trưởng của ngành đề ra từ đầu năm, trong đó lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng rất cao, 14,9% so với kế hoạch và đạt 81% so với kịch bản tăng trưởng cả năm. 3 tháng cuối năm cũng là thời điểm các hộ nuôi tôm, cá biển vào vụ thu hoạch chính, cho phép tổng sản lượng thủy sản có thể tăng khoảng 50.000 tấn, trong đó thủy sản nuôi trồng có thể tăng đến 25.000 tấn. Riêng đối với con tôm, 3 tháng cuối năm cũng là thời điểm dự kiến giá thu mua cao nhất trong năm, mang đến giá trị lớn.
Đối với khai thác gỗ, 3 tháng cuối năm dự báo thời tiết hanh khô, phù hợp cho việc khai thác, vận chuyển gỗ. Bên cạnh đó, từ ảnh hưởng của tình hình thế giới, hiện giá thu mua sản phẩm gỗ keo, nhất là dăm gỗ tăng lên 30-50% so với trước đây, cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 1,3-1,6 triệu đồng/tấn. Trong khi đó một diện tích lớn rừng keo trồng từ năm 2016 hiện đã đến tuổi khai thác. Đây sẽ là dư địa để tăng giá trị ngành lâm nghiệp, đồng thời cũng là điều kiện để ngành nông nghiệp đạt mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, trong đó có lim, giổi, lát thời gian tiếp theo.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()