Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:05 (GMT +7)
Lãi suất giảm, tiền trở lại chứng khoán?
Thứ 5, 06/04/2023 | 09:45:26 [GMT +7] A A
Để chứng khoán tăng trưởng bền vững cần giải bài toán tổng hợp về trái phiếu, bất động sản và phục hồi kinh tế
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đang có chuỗi tăng điểm hết sức tích cực trong vòng 1 tháng trở lại đây. Ngày 5-4, VN-Index tiếp tục tăng thêm 2,41 điểm, đóng cửa ở mức 1.080,86 điểm và tăng tới hơn 60 điểm so với mức đáy hồi giữa tháng 3. Giá trị giao dịch của thị trường cũng cải thiện đáng kể qua từng phiên. Từ đầu tháng 4 đến nay đều đạt 12.000 - 13.000 tỉ đồng mỗi phiên thay vì chỉ 7.000 - 8.000 tỉ đồng so với những tuần trước cho thấy nhà đầu tư đang dần lấy lại niềm tin vào kênh này.
Hưởng lợi từ lãi suất giảm
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu tháng 4, giao dịch trên TTCK nhộn nhịp hơn thay vì tâm lý chờ đợi như trước. "Nhiều người trong nhóm của tôi mua cổ phiếu dầu khí, thép, chứng khoán, đầu tư công... đã có mức sinh lời 10%-20% trong những ngày qua. Thanh khoản thị trường vượt 12.000 tỉ đồng cũng giúp nhà đầu tư an tâm vì dòng tiền trở lại" - nhà đầu tư tên Hoàng Thanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết.
Theo nhiều công ty chứng khoán, chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất giảm là tín hiệu đầu tiên cho sự dịch chuyển tích cực của TTCK. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, nhận định trong vòng gần 1 tháng, cơ quan quản lý đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành, trong đó riêng lãi suất tái chiết khấu giảm tổng cộng 1 điểm % xuống 3,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5 điểm % xuống 5,5%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ giảm 1 điểm % xuống 4,5%/năm và lãi suất tối đa tiền gửi bằng VNĐ kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,5 điểm %... "Nhìn lại lịch sử có thể thấy chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thị trường giảm là chất xúc tác khá mạnh cho TTCK. Kỳ vọng thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng dần với biên độ dao động trong khoảng 1.030 - 1.110 điểm trong tháng 4 này" - bà Trần Khánh Hiền nhận định.
Kỳ vọng "chuyển mình" trung hạn
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng nhìn nhận xu hướng lãi suất giảm sẽ tác động tích cực một phần lên TTCK. "Nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán với mong muốn tìm kiếm tỉ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường Dù vậy, điều này phụ thuộc nhiều vào "khẩu vị" rủi ro của mỗi nhà đầu tư" - chuyên gia này nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng tín hiệu tích cực trong ngắn hạn của TTCK là khá rõ ràng nhưng cần quan sát thêm xu hướng dài hạn với nhiều yếu tố. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng lãi suất chủ yếu giảm ở các kỳ hạn ngắn nên nhóm doanh nghiệp (DN) vay vốn lưu động trong ngành sản xuất, bán lẻ, tiêu dùng... sẽ hưởng lợi. Còn với nhóm DN khó khăn nhất hiện nay là bất động sản, cần tiếp tục xử lý bài toán về trái phiếu, bao gồm sức ép đáo hạn trái phiếu và nút thắt trái phiếu bất động sản. "Ngay cả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất đối với nhà ở xã hội cũng có thể chỉ tác động tích cực phần nào đó lên thị trường bất động sản. Thị trường đang kỳ vọng nhiều hơn vào thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu DN có mục đích bổ sung vốn lưu động" - ông Nguyễn Thế Minh bình luận.
Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường đã cải thiện rất nhiều sau 2 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Mặt bằng lãi suất trên thị trường giảm nhanh đem lại kỳ vọng cho DN về giảm chi phí tài chính, biên lợi nhuận tốt hơn, từ đó mạnh dạn vay vốn để tái đầu tư. "Tuy nhiên, chính sách lãi suất giảm vẫn có độ trễ nên thực chất, DN vẫn chưa hưởng lợi nhiều. Thị trường cũng đang vào cuối mùa đại hội cổ đông nên thị trường có thể rơi vào vùng trống thông tin. Có thể phải chờ đến nửa cuối năm 2023 để thị trường bền vững hơn, khi chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ổn định hơn và kinh tế hồi phục tốt hơn" - ông Trương Hiền Phương dự báo.
Theo Người Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()