Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:23 (GMT +7)
Lạm dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài
Thứ 4, 10/05/2023 | 07:25:47 [GMT +7] A A
Tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên đang ngày càng gia tăng, không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng ngộ độc cấp, rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện kéo dài. Tình trạng này ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên.
Tháng 4/2023 vừa qua, Bệnh viện Bãi Cháy liên tiếp cấp cứu cho các học sinh bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử, bóng cười. Với trường hợp 4 bệnh nhân nam đều 15 tuổi, sau khi sử dụng thuốc lá điện tử 1 tiếng đã xuất hiện tình trạng choáng váng, mệt mỏi, bủn rủn tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn số lượng nhiều. Khi vào viện, các bệnh nhân đã được cấp cứu và xử lý truyền dịch theo phác đồ tại Khoa Thận lọc máu (Bệnh viện Bãi Cháy).
Hay nguy hiểm hơn là trường hợp bệnh nhân nữ 15 tuổi bị tổn thương thần kinh tủy sống cổ, do ngộ độc N20 (khí cười). Theo khai thác thông tin, người bệnh đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả. Tại Khoa Thần kinh - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bãi Cháy), các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, thuốc bổ thần kinh kết hợp điều trị oxy cao áp theo phác đồ.
Theo bác sĩ CKI Lê Thị Mai, Khoa Thần kinh - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, N20 (Dinitơ oxit hay nitrous oxide) hay còn gọi là khí cười là một trong những hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Chất này vào cơ thể dạng khí, sẽ chiếm chỗ oxy làm thiếu oxy, ức chế thần kinh trung ương gây ra nhiều cảm giác phê, hoang tưởng. N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, ảo giác tương tự heroin.
Nếu sử dụng bóng cười nhanh và ít sẽ gây cười, hưng phấn thoáng qua. Nếu sử dụng N20 với số lượng lớn, trong thời gian dài ngày có thể gây nhiễm độc hệ thần kinh, tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực. Người bệnh có thể bị rối loạn như cảm giác tê bì, yếu chi, rối loạn trí nhớ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12... Nghiêm trọng hơn gây ra ức chế, hôn mê, tụt huyết áp, tê liệt cơ thể, tử vong. Với những người bị bệnh tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng do ngạt khí, suy hô hấp.
Các dạng ma túy hiện nay rất đa dạng, ẩn nấp dưới nhiều hình thức, tấn công vào học đường, vào giới trẻ như thuốc lá điện tử, bóng cười, thậm chí trà trộn vào thực phẩm như bánh kẹo...
Những năm gần đây, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận nhiều bệnh nhân là thanh thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, bóng cười, ma túy tổng hợp. Hệ lụy để lại là sự sa sút tâm thần, trí não một cách nghiêm trọng. Chỉ tính riêng năm 2022 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 800 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đá và thuốc lá điện tử. Trong đó chiếm trên 20% là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh, cho biết, hậu quả của việc sử dụng chất gây nghiện là rất lớn với bệnh nhân trẻ tuổi. Ngộ độc chất gây nghiện sẽ có những biểu hiện từ rối loạn tâm thần, hoang tưởng ảo giác, kích thích vật vã. Phổ biến nhất của ngộ độc ma túy là lăn ra bất tỉnh, tím tái, co giật sùi bọt mép. Có không ít trường hợp cấp cứu sốc, tụt huyết áp, tổn thương đa cơ quan. Đặc biệt, có nhiều biểu hiện ngộ độc mới ở người sử dụng chất gây nghiện có trong ma túy tổng hợp. Có thể người bệnh được cấp cứu qua giai đoạn nguy kịch tính mạng, nhưng sau đó, hàng trăm chất ấy có thể gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe, tâm thần, trí não...
Có thể khẳng định, việc sử dụng ma túy thế hệ mới gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của giới trẻ. Chính vì vậy, chung tay đẩy lùi ma túy học đường và giảm thiểu tác hại của ma túy không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Để góp phần ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập học đường cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()