Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 23:28 (GMT +7)
Làm gì khi cứu giúp người bị tai nạn giao thông tránh ‘làm ơn mắc oán’
Thứ 2, 18/07/2022 | 09:43:40 [GMT +7] A A
Gọi 115 để cấp cứu người bị nạn, 113 thông báo cho công an, nhờ người quay lại toàn bộ quá trình cứu giúp nạn nhân… là một trong nhiều cách giúp người bị tai nạn giao thông tránh “làm ơn mắc oán”.
Sau khi câu chuyện hai vợ chồng lái xe tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cứu người gặp tai nạn trên đường lại bị chính gia đình nạn nhân tố cáo được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã đưa ra cách xử lý khác nhau để vừa giúp được người bị nạn vừa tránh “làm ơn mắc oán”.
Anh Nguyễn Thanh Hùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, làm nghề lái xe, anh gặp không ít vụ tai nạn giao thông.
“Điều đầu tiên tôi làm khi thấy một vụ tai nạn giao thông là gọi ngay cấp cứu 115, việc sơ cấp cứu kịp thời cho người bị nạn là rất quan trọng. Sau đó, tôi gọi điện báo công an qua số điện thoại 113 và hô hoán người xung quanh giúp đỡ”, anh Hùng chia sẻ.
Anh Lương Viết Tùng, lái xe taxi cho rằng, sau khi báo lực lượng chức năng và hô hoán người xung quanh giúp đỡ anh sẽ tiếp cận nạn nhân.
“Tôi tiếp cận nạn nhân xem họ có còn tỉnh táo không, giúp nạn nhân gọi điện thông báo cho người thân về vụ va chạm. Trong lúc thông báo, tôi cũng nói rõ mình chỉ người đi đường giúp đỡ nạn nhân”, anh Tùng nói.
Nhân chuyện cứu người đang xôn xao này, chị Lê Hải Yến (Thường Tín, Hà Nội) kể lại câu chuyện mà mình gặp phải. Khoảng đầu năm 2021, khi chị đang trên đường đi về nhà thì thấy một người đàn ông trung niên tự ngã ra đường. Thời điểm đó, đường trục phía nam thành phố Hà Nội rất vắng, chị đã lấy điện thoại của mình ghi lại toàn bộ quá trình cứu giúp nạn nhân để tránh gia đình họ hiểu lầm là người gây tai nạn.
Không cứu giúp người gặp nạn có thể bị phạt tù
Sau tình huống cứu người gặp nạn bị phiền phức, một số người cho rằng, họ sẽ không can thiệp khi thấy người bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đó không chỉ là hành động vô cảm mà còn vi phạm pháp luật.
Vị đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, tại khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (Điểm a, Khoản 7, Điều 11).
Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị phạt tù. Tại Điều 132 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sử đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm. Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()