Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:39 (GMT +7)
Làm sao phát huy lợi thế các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP?
Chủ nhật, 22/05/2022 | 11:42:56 [GMT +7] A A
Các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP được xây dựng với mục tiêu ban đầu là tạo sân chơi, đưa sản phẩm OCOP vươn ra chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng hàng ngày vốn rộng lớn và tiềm năng này. Thế nhưng, nhiều năm nay mô hình được các cơ quan chức năng quản lý này vẫn loay hoay, trong khi mô hình cửa hàng tư nhân bán các sản phẩm tương tự lại sống "khỏe"...
Theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình OCOP của Quảng Ninh đã triển khai bước đầu khá thành công, thay đổi được về cách thức sản xuất hàng hóa, chất lượng hàng hóa cũng có nhiều biến đổi. Qua thống kê, Quảng Ninh hiện có 502 sản phẩm OCOP, trong đó có 272 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm đều đã được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương, Sở Công Thương, cho biết: Một trong những kênh tiêu thụ và kết nối tiêu thụ được cơ quan chức năng hết sức quan tâm đó là các hội chợ, các chương trình xúc tiến trong và ngoài tỉnh. Kênh này giúp thúc đẩy tiêu thụ và kết nối cung - cầu, nhằm tìm thị trường ổn định thường xuyên.
Đây là điều kiện thuận lợi, tuy nhiên hiện việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên thực tế để "bơi" ra thị trường lớn đòi hỏi cao và rất "kén" sản phẩm. Các sản phẩm, các doanh nghiệp phải đạt chất lượng tốt, đủ năng lực cung ứng, nhanh nhạy... Không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được điều này. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng cho người dân, nhu cầu hàng ngày thông qua các điểm, trung tâm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP lại không được phát huy tốt.
Theo thống kê hiện tại, trong toàn tỉnh có khoảng 29 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, tuy nhiên hoạt động rất thất thường, không như kỳ vọng mặc dù ban đầu, các địa điểm này được đầu tư mạnh mẽ, được bố trí ở những vị trí "vàng", có không gian rộng nằm ở trung tâm phố, huyện thị. Ngược lại, các điểm giao dịch này loay hoay trong hoạt động, liên tục chuyển đổi cung cách quản lý... Địa phương cũng giao cho các doanh nghiệp rồi sau đó là các phòng, ban quản lý với cán bộ nhân viên kiêm nhiệm... nhưng đều không đạt được hiệu quả.
Trong khi đó, hiện có không ít mô hình kinh doanh các sản phẩm OCOP, các đặc sản vùng miền như chuỗi các cửa hàng bán sản phẩm đặc sản như: Dasala, Nông sản sạch; cửa hàng bán sản phẩm OCOP (khuôn viên siêu thị Go, TP Hạ Long) lại sống tốt, mặc dù phải chịu nhiều áp lực về phí thuê điểm, nhân lực...
Khảo sát thực tế, ở các cửa hàng Nông sản sạch, Dasala... tại TP Hạ Long, đều có kinh doanh các sản phẩm nông sản, đặc sản như các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP mà nhà nước quản lý. Điểm khác biệt là sự lựa chọn, sắp xếp đa dạng và thay đổi liên tục các sản phẩm OCOP, đặc sản trên kệ hàng với trọng tâm là các sản phẩm thực phẩm, sản phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày, sản phẩm ăn nhanh, dễ chế biến... Hình thức, quy cách sản phẩm bày bán cũng đa dạng hơn như: Chế biến sẵn, đóng gói nhỏ, trọng lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của gia đình nhỏ, giá cả hợp lý...
Một ví dụ khác là cửa hàng bán sản phẩm OCOP trong khuôn viên siêu thị Go (TP Hạ Long). Đây là điểm kinh doanh tư nhân, chịu nhiều áp lực chi phí thuê nhân lực, mặt bằng... thế nhưng hoạt động ổn định và tạo sức hút tốt từ tháng 4/2017 tới nay. Ở đây kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm OCOP nhưng khác biệt với các trung tâm của nhà nước là ở cách kinh doanh. Hàng hoá ở đây rất đa dạng với chừng 100 đầu sản phẩm, trong đó có 80% là sản phẩm OCOP của tỉnh và khoảng 20% là sản phẩm đặc sản các địa phương lân cận.
Theo tìm hiểu, sản phẩm OCOP của tỉnh cũng như sản phẩm ngoài tỉnh ở đây đều được lựa chọn nhập theo tiêu chí nhu cầu, thị hiếu của khách hàng; mức độ tiêu thụ thường xuyên; sản phẩm tiện dụng, ăn liền như: Thực phẩm, sản phẩm tươi sống, tiêu dùng hàng ngày... Thậm chí, đối với các sản phẩm mới, được đánh giá sẽ có nhu cầu tiêu dùng, được cửa hàng nhập số lượng nhỏ, thăm dò nhu cầu cụ thể... rồi mới nhân rộng. Ngoài ra, cửa hàng còn có thể phục vụ online, ship hàng ngay khi cần thiết, đặc biệt có các chương trình khuyến mại...
Theo quan sát của chúng tôi thì không gian nơi đây không quá rộng nhưng được bày biện, chăm chút gọn gàng, khoa học. Nhân viên phục vụ có chuyên môn, nhiệt tình. Với những yếu tố đó, người tiêu dùng có cảm giác được vào một siêu thị nhỏ các sản phẩm đặc sản.
Không chỉ vậy, với cách hoạt động tương tự, có thể thấy nhiều điểm kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc sản như ở Công viên SunWorld, quán café Nam Phong Tiên Yên, cửa hàng Quảng Ninh Gate... hoạt động ổn định. Chị Nguyễn Thị Trinh (phường Hòn Gai, TP Hạ Long) chia sẻ: Chúng tôi rất quan tâm tới các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng hàng ngày và hay mua ở các cửa hàng này. Bởi chúng tôi dễ dàng tìm thấy sản phẩm OCOP, nông đặc sản vùng miền mà không phải chờ hội chợ, đặc biệt là có những sản phẩm siêu thị không có, rồi có thể mua bán online, ship hàng ngày...
Như vậy có thể thấy, từ góc nhìn về cách thức hoạt động, thu hút khách hàng, tổ chức của các cửa hàng trên có thể cho những gợi mở với các điểm, trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đang chưa thực sự hút khách hàng, mặc dù có nhiều thuận lợi hơn.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()