Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:03 (GMT +7)
Làm sao để tăng tốc thương mại điện tử sản phẩm OCOP?
Thứ 7, 07/05/2022 | 14:09:24 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) bị gián đoạn nhưng cũng là cơ hội để thương mại điện tử (TMĐT) "lên ngôi". Vậy làm sao để thúc đẩy TMĐT sản phẩm OCOP theo kịp xu hướng hiện đại là vấn đề mà các sàn TMĐT, nhà cung cấp, đối tác dịch vụ số đặt ra tại Hội nghị về thúc đẩy TMĐT trong khuôn khổ Hội chợ OCOP hè 2022 cuối tháng 4 vừa qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch Covid-19 lại là cơ hội đẩy mạnh TMĐT, đa dạng hóa các hình thức thanh toán số, không dùng tiền mặt, vốn đang tạo nhiều tiện ích, thành xu thế chung của xã hội. “Chính vì thế, từ lâu, chúng tôi đã chú trọng phát triển TMĐT, đặc biệt phát triển thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đem lại nhiều quyền lợi, thuận tiện cho khách hàng. Việc thúc đẩy TMĐT gắn với sản phẩm OCOP, ứng dụng, tích hợp các tiện ích thanh toán điện tử càng góp phần xúc tiến sản phẩm OCOP phù hợp với xu hướng hiện đại” - ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương (Sở Công Thương tỉnh), cho biết.
Để thích ứng, đón đầu xu hướng phát triển TMĐT, đặc biệt áp dụng các hình thức thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt, vừa qua, sàn giao dịch TMĐT sản phẩm OCOP mới ở địa chỉ: ocopquangninh.com.vn đã được đầu tư, hoàn thiện và đưa vào hoạt động dịp cuối tháng 4/2022. Với nhiều chức năng hiện đại, sàn được trang bị và thúc đẩy các công cụ thanh toán điện tử hiện đại, thuận lợi hơn. Đây là mong muốn của các nhà quản lý, doanh nghiệp quan tâm TMĐT.
Theo đó, sàn tích hợp chức năng thanh toán online và đa dạng hóa hình thức vận chuyển để khách hàng linh hoạt lựa chọn. Ngoài việc đồng bộ hóa nguồn dữ liệu 333 sản phẩm trước đây, các sản phẩm OCOP mới được cập nhật, đăng ký trên sàn được kiểm duyệt nghiêm ngặt về giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm cũng như các loại giấy tờ liên quan. Đồng thời, hiện 70% nguồn dữ liệu cũ được đồng bộ trên sàn (tương đương 268/333 sản phẩm) đều được rà soát, kiểm tra và hoàn thiện giấy tờ cần thiết.
Theo đó, cách làm này giúp đảm bảo uy tín sản phẩm, còn doanh nghiệp sẽ quản lý được đơn hàng trên mọi phương tiện và nhận thông báo qua sàn nhanh chóng nhất. Ngoài ra, sàn còn ứng dụng một số hình thức thanh toán điện tử qua dịch vụ của VNPT Pay, kết nối, thanh toán qua chuyển khoản từ tất cả các tài khoản ngân hàng như sàn TMĐT lớn: Tiki, Lazada... Đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mà trước đây sàn TMĐT cũ không thực hiện được. Việc hoàn thiện, nâng uy tín, khả năng kiểm soát cũng cho phép sàn đứng ra làm trung gian giải quyết khiếu nại khách hàng về sản phẩm được mua qua sàn TMĐT, bảo vệ người tiêu dùng...
Điều thú vị là trong Hội thảo về thúc đẩy TMĐT trong khuôn khổ Hội chợ OCOP Hè 2022 vừa qua, nhiều đơn vị cung cấp như VNPT, Viettel, Visa... cũng cung cấp các giải pháp tiên tiến mới, thiết thực, bổ khuyết cho sàn và các doanh nghiệp. Theo đó, các đơn vị trên đưa ra các hình thức thanh toán nhanh, thuận lợi; tích cực ứng dụng thanh toán trực tuyến và công cụ thanh toán như ví điện tử Momo, Zalo pay... Đây là cách làm mới mà nhiều sàn TMĐT lớn đã áp dụng thành công.
Các sàn TMĐT lớn như: Tiki, Lazada,Voso, Postmart... cùng các đối tác như VPBank, Visa hay Icheck... đề xuất các giải pháp phân phối sản phẩm trên sàn, hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số; phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng TMĐT... Quả thật, đây cũng là những yếu điểm mà các doanh nghiệp OCOP Quảng Ninh, các sàn TMĐT ở địa phương trước đây còn yếu, chưa thực hiện tốt.
Đáng chú ý là một số đơn vị còn đưa ra nhiều dịch vụ, chương trình mới hữu ích, lấp lỗ hổng, điểm yếu mà sàn hoặc các doanh nghiệp OCOP còn mắc phải, như: Thanh toán qua mã QR code, thông tin về sản phẩm qua mã QR code (như thông tin về ngày trồng, thu hoạch, xuất kho... thay vì chỉ là bài giới thiệu sản phẩm như hiện nay). Bởi trên thực tế mã QR cũng như các giải pháp thanh toán trực tuyến nhanh là điều mà phần nhiều doanh nghiệp OCOP còn chưa có, thậm chí chưa tiếp cận hoặc áp dụng còn sơ sài.
Có thể thấy, TMĐT sản phẩm OCOP qua sàn hiện đã có nhiều chuyển động và điều kiện tích cực để thúc đẩy. Để phát triển nhanh, tăng kênh tiêu thụ, tiệm cận với xu thế hiện đại... cần có sự quan tâm, triển khai tích cực của cả phía nhà quản lý, các doanh nghiệp OCOP. Đó cũng là điều mà lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) kỳ vọng.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()