Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 13:39 (GMT +7)
Làm thầy hay làm thợ?
Thứ 6, 29/03/2013 | 06:35:32 [GMT +7] A A
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này, chuyện lựa chọn “bước ngoặt” mới sau khi kết thúc bậc học THPT không chỉ là trăn trở của các em học sinh mà còn là nỗi lo của phụ huynh.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Thống kê cả nước, 70% sinh viên tốt nghiệp đại học không làm đúng ngành nghề mình đã học; hiện có những khu công nghiệp ở Đà Nẵng có hàng nghìn cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng lại làm vị trí của công nhân. Thực trạng này phản ánh rất rõ nghịch lý cung - cầu thị trường lao động, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa tốt. Có thể tạm chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn tới chuyện “thừa thầy, thiếu thợ”: Do chọn nghề theo cảm tính, theo dư luận xã hội, chọn nghề theo xu hướng đám đông. Và thị trường lao động ở Quảng Ninh không nằm ngoài vấn đề “nóng” nói trên.
Năm 2012, trong số 34.000 người được tuyển sinh học nghề trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ cơ cấu ngành nghề đã có sự mất cân đối và phản ánh lên thực tế người học đã đi chệch hướng so với nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh. Đơn cử như nhóm ngành du lịch - dịch vụ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn với 3,82%; nhóm nghề nông - lâm - ngư nghiệp có tỷ lệ 7,44%... Trong khi đó, định hướng phát triển của tỉnh được khẳng định rất rõ: Đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với cơ cấu lao động trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 37%; công nghiệp - xây dựng 27% và dịch vụ thương mại 36%. Đến năm 2020 phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại với cơ cấu lao động trong các nhóm ngành nói trên là 25%, 25% và 50%.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Tâm, hiện ở Quảng Ninh đang đào tạo quá nhiều cử nhân nhóm ngành kinh tế. Điều này được chứng minh qua con số 25 trường đại học, cao đẳng có liên kết đào tạo với Quảng Ninh đang đào tạo số lượng trên 23.000 người, ngành nghề chủ yếu là nhóm kinh tế. Trong 13.000 người tuyển sinh hàng năm vào các hệ đào tạo chuyên nghiệp cũng chủ yếu tập trung ở các nhóm ngành kỹ thuật, sư phạm, kinh tế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 hệ thống giáo dục nghề nghiệp là giáo dục chuyên nghiệp (10 trường) và đào tạo nghề (50 cơ sở) đào tạo trên 90 nghề. Đây chính là điểm rất thuận lợi cho người học cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu về nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, điều cần nhất ở đây là cùng với sự hỗ trợ thông tin từ nhiều phía, mỗi học sinh hãy tự định hướng chuẩn xác cho mình con đường “làm thầy hay làm thợ”.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()