Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:20 (GMT +7)
Lãng phí điểm trường dôi dư ở các địa phương vùng khó
Thứ 3, 18/10/2022 | 09:12:47 [GMT +7] A A
Việc dồn ghép các điểm trường lẻ đối với trường mầm non, tiểu học, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc dồn ghép, tại các địa phương vùng cao, vùng khó, biên giới, hải đảo đã thừa ra hàng trăm điểm trường. Chúng đã bị bỏ hoang từ vài năm nay, trong đó nhiều điểm trường được đầu tư với số vốn rất lớn. Hiện nay, các địa phương đang loay hoay tìm giải pháp tốt nhất, nhằm tận dụng cơ sở vật chất ở các điểm trường này, tránh lãng phí xã hội.
Từ yêu cầu dồn ghép
Đề án 25 là cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Kết luận 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 5/12/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nội dung “đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế”. Đề án 25 như một “luồng gió mới” tạo cơ hội để ngành giáo dục cải thiện điều kiện dạy và học ở các khu vực vùng sâu, vùng khó; trong đó có việc dồn ghép điểm trường.
Đây là chủ trương đúng đắn, linh hoạt của ngành giáo dục tỉnh, nhằm đưa học sinh về nơi có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trước đây, việc dạy và học tại các điểm trường lẻ vùng sâu, vùng xa của thầy và trò gặp rất nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Các em phải học lớp ghép, điểm trường tạm thiếu thốn nhiều bề. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hệ thống điểm trường lẻ ở cấp huyện nhiều gấp 3 lần số điểm trường chính, đã gây khó khăn cho công tác dạy học và việc huy động học sinh ra lớp.
Điểm trường Khe Nà, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) mới được dồn ghép khi bước vào năm học mới 2022-2023. Thiết bị, bàn ghế, bảng phấn được chuyển từ điểm lẻ về trường chính. Cô và trò có thể bước vào khai giảng năm học mới được ngay. Theo các thầy cô giáo dạy tại điểm trường này cho biết, học sinh được ăn bán trú hằng ngày và điều kiện học tập tốt hơn rất nhiều so với điểm trường cũ.
Những năm gần đây, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi. Theo đó, tại các thôn bản khó khăn, nhiều tuyến đường được mở rộng, bê tông hóa, con đường đến trường của các em học sinh cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều.
Trên cơ sở rà soát thực trạng cơ sở vật chất, điều kiện giao thông, ngành giáo dục đã có chủ trương sắp xếp trường lớp, để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2014, ngành giáo dục Quảng Ninh bắt đầu thực hiện việc dồn ghép điểm trường trên địa bàn tỉnh. Cách làm là với các điểm trường có vị trí giao thông thuận lợi thì đưa học sinh ở đó về trường chính học tập, để các em có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, môi trường giáo dục tốt hơn.
77 điểm trường bỏ không
Bình Liêu là một trong những huyện vùng cao của tỉnh với nhiều điểm trường lẻ, nằm rải rác tại các thôn, bản cách xa trung tâm. Hiện trên địa bàn huyện có tổng số 24 trường, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, trong đó có 8 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trung học cơ sở, 2 trung học phổ thông. Năm học 2022-2023, Bình Liêu có tổng số 421 lớp học, với tổng số 9.600 học sinh.
Từ năm 2015 ngành giáo dục Bình Liêu đã thực hiện việc dồn ghép đưa học sinh các điểm trường gần về học tại trường chính, dồn ghép các điểm trường lẻ ở xa trung tâm gần nhau.
Cụ thể, cấp mầm non và tiểu học đã đưa học sinh tại các điểm trường lẻ ở xa, nhiều khó khăn về học tại các điểm trường gần, có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn; thực hiện đưa học sinh lớp 4, 5 ở các điểm trường lẻ về điểm trường chính học bán trú, hoặc về các điểm trường gần từ 2-2,5km để học tập trung. Với các lớp có số học sinh ít, tiến hành ghép để tăng số học sinh trên một lớp.
Qua dồn ghép, hiện huyện Bình Liêu có 38 điểm trường dôi dư sau sắp xếp, trong đó cấp mầm non có 13 điểm trường; cấp tiểu học, THCS có 25 điểm trường cộng thêm trụ sở Phòng GD&ĐT huyện.
Để tránh lãng phí, xuống cấp các điểm trường dôi dư sau dồn ghép, huyện Bình Liêu đã có một số phương án tái sử dụng với từng điểm trường. Nhưng đến nay có 1 điểm trường là tiểu học Vô Ngại, ở thôn Khủi Luông, xã Vô Ngại được cải tạo làm nhà văn hóa thôn. 1 điểm trường tiểu học tại khu Nà Làng thị trấn Bình Liêu đang chuẩn bị sửa để mở rộng thành điểm trường mầm non khu Nà Làng ngay sát cạnh.
Tại 36 điểm trường còn lại bị bỏ không sau dồn ghép, huyện đã lên phương án quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, cơ sở vật chất. Cụ thể có 12 điểm trường và trụ sở Phòng GD&ĐT xây dựng lâu năm đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cần tháo dỡ, thanh lý.
5 điểm trường được bàn giao về cho các trường chính quản lý sử dụng. Các điểm trường còn lại thực hiện các thủ tục bàn giao về cho xã sử dụng. Tuy nhiên hiện nay các điểm trường dôi dư nói trên vẫn bị bỏ hoang, bởi huyện đang phải chờ các ngành chức năng và tỉnh đưa phương án xử lý.
Còn với huyện Ba Chẽ, việc dồn ghép các điểm trường theo Đề án 25 cũng diễn ra rất khẩn trương. Sau dồn ghép, huyện Ba Chẽ đã thừa ra 22 điểm trường. Việc xử lý 22 điểm trường dôi dư sau dồn ghép trên địa bàn huyện Ba Chẽ từ năm 2014 đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Nhiều thôn, khu đề xuất xin làm khu vui chơi, hay mở rộng khuôn viên nhà văn hoá liền kề. Song hiện các điểm trường trên vẫn bị bỏ hoang do những vướng mắc về pháp lý.
Đơn cử như: Điểm trường tiểu học Nà Bắp (xã Đồn Đạc) là một trong số các điểm trường bỏ hoang sau dồn ghép. Các dãy phòng học phía sau tường bị bong tróc, thấm dột, mốc meo. Mái nhà lún nứt không sử dụng được. Dãy nhà phía trước xây dựng theo dự án hỗ trợ cho học sinh vùng khó được hoàn thiện năm 2009 hiện trạng vẫn còn tốt. Năm 2015, điểm trường dừng hoạt động, thôn Nà Bắp đã xin xã để làm khu hội họp sinh hoạt cộng đồng của thôn. Đến năm 2018 điểm trường này được giao cho xã quản lý, nhưng vướng các thủ tục, nên hiện vẫn đang bị bỏ hoang và dần xuống cấp. Hay như điểm trường tiểu học thị trấn Ba Chẽ (khu 5, thị trấn Ba Chẽ), người dân trong khu cũng đã đề xuất xin để mở rộng khuôn viên và sân chơi cho nhà văn hóa khu... nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Để tiếp tục xử lý những điểm trường dôi dư, ngày 2/6/2022 UBND huyện Ba Chẽ đã có văn bản gửi Sở Tài chính về việc đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tại các điểm trường dôi dư không còn nhu cầu sử dụng theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ, song chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết.
So với 2 địa phương Bình Liêu và Ba Chẽ, việc sắp xếp, dồn ghép các điểm trường ở huyện Đầm Hà có kết quả khả quan hơn. Sau sắp xếp, Đầm Hà thừa ra 17 điểm trường. Đến nay các điểm trường này cơ bản được thanh lý nhà, chuyển diện tích đất cho địa phương quản lý.
Tuy nhiên, điểm trường Trại Giữa (thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà) sau 3 năm xóa bỏ không được đầu tư cải tạo đang xuống cấp, nhưng vẫn phải trưng dụng cho học sinh học, bởi lẽ trường chính cơ sở vật chất chật hẹp không đáp ứng được. Hay như điểm trường Hỏn Thìn (thôn Lý Khoái, xã Quảng Lâm) được đầu tư gần 3 tỷ đồng, sau dồn ghép đã bị bỏ không hơn 1 năm nay. Nhìn cơ sở vật chất cứ mỗi ngày càng xuống cấp, ai nấy đều rất xót xa. Việc điểm trường đầu tư lớn không sử dụng không chỉ gây lãng phí mà thầy cô rất vất vả.
Năm học 2022-2023, huyện Đầm Hà không thực hiện dồn ghép điểm trường, nhưng theo lộ trình từ nay đến 2025, huyện Đầm Hà sẽ sáp nhập 8 điểm trường, dồn ghép 3 trường. Tuy nhiên, trước khi thực hiện mục tiêu mới, huyện Đầm Hà cần giải quyết dứt đểm những tồn tại của điểm trường Hỏn Thì, cũng như Trường Mầm non xã Đầm Hà, không thể cứ để bỏ hoang lãng phí như hiện nay.
Có thể khẳng định, với những nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương và nhân dân, sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói chung, của các địa phương nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Việc dồn ghép các điểm trường vừa qua đã tạo được sự phát triển trường lớp hợp lý hơn, phát huy được hiệu quả sau đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn điều kiện học tập của con em các dân tộc trong toàn tỉnh.
Song mặt khác, sau khi thực hiện dồn ghép các điểm trường, chỉ tính riêng tại 3 địa phương là Bình Liêu, Ba Chẽ và Đầm Hà đã thừa ra tới 77 điểm trường đang bị bỏ không hết sức lãng phí. Có những điểm trường được đầu tư với số kinh phí tiền tỉ, xây cất khang trang, nhưng nay bị bỏ hoang hóa và đang dần xuống cấp mỗi ngày.
Chắc chắn sẽ có nhiều bài học được rút ra về hiệu quả đầu tư thời gian qua đối với giáo dục ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn. Trước mắt thiết nghĩ, để giảm bớt lãng phí nêu trên, các địa phương cần rà soát, chủ động đưa ra những phương án xử lý tối ưu để khai thác hữu ích các điểm trường này. Các ngành chức năng và tỉnh cũng cần sớm có chủ trương để các địa phương giải quyết nhanh chóng, tránh để kéo dài như thời gian qua.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()