Thông tin về tình hình lao động việc làm quý I/2023 ngày 6/4, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết lao động mất việc tập trung ở các tỉnh đông khu công nghiệp, chế xuất như Đồng Nai 32.600 người, Bình Dương 21.700, Bắc Ninh 14.000 và Bắc Giang khoảng 7.700 người.
Ngược lại, lao động nghỉ giãn việc đến hết quý I là 294.000, giảm 2.000 người so với quý trước. Số này phần lớn thuộc doanh nghiệp FDI (83,8%) và tập trung ở ngành da giày, dệt may, chế biến gỗ. Lý do gia tăng số người mất việc, giãn việc là doanh nghiệp bị cạn đơn hàng.
Đông Nam Bộ trở thành vùng bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng giảm sút đơn hàng của nhiều doanh nghiệp lớn. Ba tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực này tăng lên 1,75% so với 1,52% của quý trước, đi ngược với xu hướng giảm chung của cả nước.
Đời sống lao động cải thiện chậm, thu nhập bình quân tăng thấp (1,9%) so với nơi khác. Thống kê ghi nhận thu nhập lao động tại TP HCM giảm 127.000 đồng so với quý trước, đạt 9,1 triệu đồng. Lao động tại Bình Phước thu nhập bình quân 6,8 triệu, giảm 197.000 đồng.
Cắt giảm đơn hàng còn khiến hàng loạt địa phương mạnh về công nghiệp bị sụt giảm lao động có việc làm. Cụ thể, Bắc Giang giảm 4,5%; Bắc Ninh giảm 0,9%; Thái Nguyên 2,2%; Nghệ An 5,5%, TP HCM giảm 0,4%; Bình Phước giảm gần 4% so với quý trước.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê kiến nghị cần có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng sự chuyển đổi ngành nghề, đào tạo lại lao động để duy trì việc làm. Ngoài ra, nhà nước cần tung thêm chính sách hỗ trợ trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt ngành da giày, dệt may, điện - điện tử.
Ý kiến ()