Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 06:46 (GMT +7)
Lầu đầu Nga nổ súng cảnh cáo tàu hàng sau khi rời thỏa thuận Biển Đen
Thứ 2, 14/08/2023 | 11:24:49 [GMT +7] A A
Vụ việc xảy ra ngày 13/8 đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến Nga nổ súng cảnh cáo một tàu hàng trên Biển Đen kể từ khi nước này rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.
Tờ Guardian đưa tin ngày 13/8, tàu tuần tra Vasily Bykov của Nga đã nổ súng cảnh cáo về phía tàu chở hàng Sukru Okan khi đang di chuyển theo hướng Bắc trên Biển Đen.
Đây là lần đầu tiên Nga nổ súng vào tàu hàng hoạt động trên vùng biển này kể từ khi rút khỏi thỏa thuận thiết lập hàng lang an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc Ukraine do Liên hợp quốc làm trung gian vào tháng trước.
Moskva tuyên bố sẽ coi tất cả các tàu đi đến vùng biển Ukraine là mục tiêu quân sự và có thể bị tấn công.
Phía Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong vụ việc xảy ra ngày 13/8, tàu tuần tra Vasily Bykov đã bắn vũ khí tự động vào tàu Sukru Okan treo cờ Palau sau khi thuyền trưởng của tàu không phản hồi đối với yêu cầu dừng tàu để kiểm tra.
Theo Nga, lúc đó, tàu Sukru Okan đang trên đường tới cảng Izmail của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các binh sĩ đã ập lên tàu hàng này với sự hỗ trợ của trực thăng Ka-29. Sau khi nhóm kiểm tra hoàn thành công việc, tàu Sukru Okan tiếp tục lên đường đến cảng Izmail.
Dữ liệu theo dõi tàu vận chuyển của công ty Refinitiv cho thấy con tàu này đang ở gần bờ biển Bulgaria và hướng tới cảng Sulina của Romania, nằm gần cảng Izmail.
Hãng tin Reuters hiện chưa thể liên lạc ngay với con tàu hoặc chủ sở hữu để làm rõ vấn đề.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cáo buộc vụ việc là "sự vi phạm rõ ràng luật biển quốc tế, một hành động cướp biển và tội ác chống lại tàu dân sự của nước thứ ba trong vùng biển của các quốc gia khác”.
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã không đề cập đến vụ việc này trong bài phát biểu hàng đêm của mình.
Việc bắn cảnh cáo vào một tàu buôn sẽ làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc giữa các chủ tàu, công ty bảo hiểm và thương nhân về những nguy cơ tiềm ẩn khi hoạt động ở Biển Đen - tuyến đường chính mà cả Ukraine và Nga sử dụng để đưa nông sản của họ ra thị trường.
Nga và Ukraine nằm trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới và là những công ty lớn trên thị trường lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Nga cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón.
Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, cả Moskva và Kiev đã đưa ra các cảnh báo và thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở của nhau, gây bất ổn cho các thị trường hàng hóa, dầu mỏ và vận chuyển toàn cầu.
Ngày 10/8, Hải quân Ukraine thông báo hàng lang nhân đạo mới trên Biển Đen đã đi vào hoạt đọng. Đối tượng sử dụng hành lang này dự kiến là các tàu thương mại bị mắc kẹt tại các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine, chuyên chở các mặt hàng như ngũ cốc và các loại nông sản khác.
Người phát ngôn của Hải quân Ukraine, ông Oleh Chalykcho biết hoạt động vận chuyển trên hành lang này sẽ được ghi lại bằng các camera được lắp trên tàu thuyền, và được phát sóng để cho thấy đây đơn thuần là một "sứ mệnh nhân đạo" và không có mục đích quân sự.
Về phần mình, Nga tuyên bố có thể khôi phục thỏa thuận Biển Đen nếu yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga được đáp ứng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng thông báo với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng Moskva sẵn sàng thay thế Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi trên cả cơ sở thương mại và viện trợ để thực hiện những gì ông nói là vai trò quan trọng của Nga trong an ninh lương thực toàn cầu.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()