Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 23:30 (GMT +7)
Lầu Năm Góc hé lộ các loại vũ khí viện trợ bổ sung cho Ukraine
Thứ 5, 14/04/2022 | 11:36:55 [GMT +7] A A
Hôm 13/4, Lầu Năm Góc tiết lộ Mỹ đang mở rộng phạm vi cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm nhiều loại pháo binh, xe bọc thép và trực thăng.
Theo đài RT (Nga), Lầu Năm Góc đã công bố một số thông tin chi tiết về khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, nhiều hơn khoảng 50 triệu USD so với ước tính trước đó của giới truyền thông. Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ngoài các tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, Mỹ sẽ gửi thêm các loại vũ khí mới phù hợp với chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine.
Ngoài 500 tên lửa chống tăng Javelin và 300 máy bay không người lái “sát thủ” Switchblade, Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine 18 khẩu pháo tự hành 155mm và khoảng 40.000 viên đạn, 10 radar phản pháo, 2 radar giám sát hàng không, 200 chiếc thiết vận xa M113, 100 xe bọc thép Humvee và 11 máy bay trực thăng Mi-17.
Theo danh sách do ông Kirby hé lộ, không rõ loại pháo Washington sẽ gửi cho Kiev là M109 tự hành hay lựu pháo M777 – được coi là siêu lựu pháo hiện đại nhất thế giới. Trong khi đó, xe thiết giáp chở quân M113 mà Mỹ tính gửi đến Ukraine từng được đưa vào vận hành lần đầu từ năm 1962 đã bị tuyên bố lỗi thời vào năm 2007.
Danh sách vũ khí cung cấp cho Ukraine còn có radar phản pháo lắp trên xe tải AN/TPQ-3G do Lockheed Martin sản xuất và radar phòng không 3D AN/MPQ-64 Sentinel do Raytheon chế tạo.
Mi-17 là loại máy bay trực thăng vận tải do Liên Xô thiết kế, có thể được nâng cấp thành một tàu pháo. Mỹ đã trang bị loại trực thăng này cho quân đội Afghanistan, song lực lượng này đã sụp đổ vào tháng 8/2021.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh danh sách này một cách cụ thể để đáp ứng nhu cầu cần thiết của Kiev trong chiến dịch quân sự đang diễn ra tại miền đông Ukraine. Washington cũng đang làm việc với các đồng minh và đối tác để cung cấp cho Ukraine các vũ khí bổ sung không có sẵn trong kho”.
Ngoài ra, ông Kirby cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các loại thiết bị và vũ khí khác, bao gồm 30.000 bộ áo giáp và mũ bảo vệ, thiết bị bảo vệ hóa học, sinh học và hạt nhân, mìn chống người, thuốc nổ C-4 và tàu bay không người lái, được mô tả là tàu phòng thủ ven biển không người lái.
Lầu Năm Góc thừa nhận kể từ tháng 8/2021, đây là lần thứ 7 Bộ Quốc phòng Mỹ dùng kho dự trữ vũ khí của mình để cung cấp cho Ukraine. Các quan chức ước tính Mỹ đã viện trợ cho Ukraine tổng cộng 2,6 tỷ USD kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2.
“Nguồn cung vũ khí ổn định mà Mỹ cùng các đồng minh và đối tác cung cấp cho Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với chiến dịch quân sự của Nga”, Tổng thống Mỹ Biden cho biết trong một tuyên bố sau khi điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Giới chuyên gia cho rằng rất khó có thể xác nhận độc lập về tính hiệu quả của những loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã triệu tập 8 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ để thảo luận về cách thức chế tạo nhiều hệ thống vũ khí hơn.
Về phần mình, Nga đã cảnh báo NATO rằng bất kỳ đoàn xe vận chuyển vũ khí và thiết bị nào đến Ukraine cũng đều bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các hệ thống phòng không S-300 mà Slovakia gửi tới Ukraine tuần trước đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình ở Dnepropetrovsk vào cuối tuần trước.
Moskva đã triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, sau khi cho rằng Kiev không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Trước đó, Nga đã tuyên bố công nhận hai nước Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass là hai quốc gia độc lập.
Nêu điều kiện chấm dứt chiến dịch quân sự, Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()