Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:18 (GMT +7)
Lễ hội ở miền Đông
Thứ 4, 25/01/2023 | 08:29:37 [GMT +7] A A
Các địa phương miền Đông của tỉnh, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), lễ hội mùa xuân là một trong những nét đẹp văn hóa và tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi lễ hội có đặc trưng riêng, luôn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, tham quan.
Món ăn tinh thần không thể thiếu
Nhiều lễ hội mùa xuân không chỉ bó hẹp ở các xã, huyện như khoảng chục năm trước, mà hiện đã vượt qua phạm vi tỉnh, dần trở thành lễ hội chung của cả nước. Hội Mùa vàng 2022 diễn ra đầu tháng 11/2022 tại huyện Bình Liêu, chỉ trong 1 tuần đầu đã đón hơn 21.000 lượt du khách; còn từ đầu năm đến thời điểm tổ chức lễ hội đón gần 93.000 lượt, trong đó có rất nhiều du khách ngoài tỉnh...
Các lễ hội đều chú trọng hoạt động phát huy bản sắc dân tộc để tạo sự khác biệt độc đáo, như: Hội thi người trình diễn trang phục dân tộc đẹp; giải bóng đá nữ các dân tộc; các trò chơi dân gian; trải nghiệm gặt lúa trên ruộng bậc thang; trải nghiệm nét văn hóa truyền thống trong đám cưới của người Sán Chỉ, người Dao, người Sán Dìu...
Lễ hội cũng tôn vinh sự chịu khó, cần cù, thành quả trong lao động sản xuất của bà con các dân tộc, như: Thi cầy, cấy, cuốc hố tra hạt, đan sọt, gói bánh, làm mâm cỗ… Tham gia thi là những người tiêu biểu xuất sắc về lao động sản xuất do thôn chọn ra, ngoài cuộc sống họ cũng là những người chăm chỉ, có nhiều hiểu biết trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con đặt hết niềm tin vào họ để khai màn cho ngày hội, bà con tin tưởng những người đó sẽ đem lại nhiều may mắn cho sản xuất mùa vụ năm mới của thôn, xã mình.
Lễ hội tôn vinh các loài hoa
Lễ hội hoa sớm nhất trong năm 2022 là Lễ hội Hoa sim biên giới do TP Móng Cái tổ chức vào trung tuần tháng 5 tại xã Hải Sơn. Du khách được thoải mái ngắm những đồi hoa sim tím mộng mơ, mà một thời nếu không phải là người dân bản địa, chỉ có thể thấy trong thơ, ca, nhạc hay những câu chuyện tình đầy lãng mạn.
Du khách đến miền Đông dịp cuối năm, khi thời tiết chuyển mùa thu đông, sẽ được chứng kiến nhiều lễ hội hoa. Trung tuần tháng 12, ở huyện Bình Liêu diễn ra Hội hoa Sở (tại thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm) nhằm tôn vinh loài hoa gắn bó với người dân địa phương từ rất lâu đời, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Du khách được tham quan rừng sở nở trắng núi rừng, tỏa mùi hương dễ chịu. Hoa đậu trên cây rất lâu khoảng nửa tháng mới tàn, mùa hoa kéo dài chừng tháng rưỡi cho đến qua Tết dương lịch.
Hội hoa Sở cũng là dịp để Bình Liêu giới thiệu, quảng bá du lịch. Từ nhiều ngày trước khi diễn ra lễ hội, du khách đến xã Đồng Tâm chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên của núi rừng biên cương, trải nghiệm văn hóa đa sắc màu của đồng bào các DTTS huyện thông qua các điệu múa, lời hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, hát Then của người Tày, hát Páo Dung của người Dao, cùng với trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc; tham dự các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co. Tại ngày hội, du khách được người dân địa phương mời thưởng thức các món ăn độc đáo vào đúng dịp cơm mới, như bánh cốc mò, xôi ngũ sắc được nấu từ gạo nếp nương và năm loại lá rừng...
Huyện Ba Chẽ có Hội Trà hoa vàng, loài cây đặc hữu, một thời sống tự nhiên trong các khu rừng. Huyện hiện có 200ha trồng trà hoa vàng; đã xây dựng trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP. Hội Trà hoa vàng thường tổ chức trước hoặc sau Tết Nguyên đán, thời điểm hoa trà nở rộ.
Tôn vinh người phụ nữ
Các lễ hội đều tái hiện đám cưới xưa của đồng bào các dân tộc, như đám cưới Sán Chỉ, đám cưới Dao, đám cưới Sán Dìu, thể hiện sự tôn vinh người phụ nữ trong xã hội. Trong đám cưới Sán Dìu, cô dâu ngồi trong kiệu hoặc được chú rể cõng về nhà chồng…
Lễ hội cũng đề cao người phụ nữ với nhiều môn thi, trò chơi, thậm chí có một số môn thể thao một thời là độc quyền của phái mày râu, nay được chị em phát huy tốt hơn, như bóng đá nữ. Giờ đây hầu như phụ nữ dân tộc đều ham đá bóng, các trận đấu được ưu tiên đưa vào lễ hội. Trong các trận bóng đá nữ, phụ nữ dân tộc nào mặc áo váy của dân tộc ấy, thật đẹp, giống những khóm hoa đang di động trên sân cỏ. Cũng từ các lễ hội, đồng bào thấy tự hào hơn khi mặc trang phục của dân tộc mình, mặc cả ngày thường, không chỉ dịp lễ hội, không như trước đây, chỉ người cao tuổi mới mặc.
Đến các lễ hội mùa xuân ở huyện Tiên Yên thấy nhiều phụ nữ tham gia đua thuyền chải. Riêng xã Đồng Rui có 3 đội đua thuyền, thì có 2 đội nữ. Do công việc hằng ngày của phụ nữ là khai thác ngao, vạng, sá sùng… dưới các tán rừng ngập mặn, chị em chèo mủng theo các con lạch để di chuyển được nhanh, chở được nhiều sản phẩm khai thác trong ngày, nên giỏi chèo thuyền. Công việc này được tôn vinh trong các lễ hội.
Mùa xuân đến, các loài hoa nở rực rỡ ở nhiều xã, huyện miền Đông. Người dân vui vầy trong lễ hội, nhưng vẫn không quên hăng say lao động sản xuất, đón một năm mới đầy tốt lành.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()