Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:32 (GMT +7)
Lễ hội mùa xuân ở miền Đông
Thứ 4, 02/02/2022 | 13:13:34 [GMT +7] A A
Lễ hội các địa phương miền Đông của tỉnh diễn ra rộn ràng nhất vào mùa xuân. Trước Tết Nguyên đán là các lễ hội hoa, sau đó là lễ hội của đồng bào các dân tộc Sán Chỉ, Dao, Tày, Sán Dìu..
Lễ hội tôn vinh các loài hoa
Năm 2021, huyện Bình Liêu diễn ra Hội hoa Sở vào ngày 18 và 19/12, tại thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, nhằm tôn vinh loài hoa mọc thành rừng, mang nhiều lợi ích kinh tế. Du khách đến đây được tham quan rừng sở, diễu hành xe đạp “Khám phá đường biên giới Bình Liêu thiêng liêng hùng vĩ”, thăm triển lãm ảnh, không gian giới thiệu về du lịch Bình Liêu, trưng bày, mua sắm các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Nhà văn hóa thôn Đồng Long.
Thời gian này, hoa sở nở rộ không chỉ riêng xã Đồng Tâm mà ở khắp huyện Bình Liêu với hơn 1.000ha. Cây sở trước đây mọc hoang trong rừng, ngày nay trở thành loài cây kinh tế ở Bình Liêu. Vào mùa hoa sở, ai đến với Bình Liêu đều thật ấn tượng về loài cây này với những vạt rừng hoa bạt ngàn, tỏa mùi hương ngan ngát dễ chịu. Hoa đậu trên cây rất lâu khoảng nửa tháng mới tàn, mùa hoa kéo dài chừng tháng rưỡi cho đến qua Tết Dương lịch.
Thông qua Hội hoa Sở cũng là dịp để xã Đồng Tâm và huyện Bình Liêu giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương. Từ nhiều ngày trước khi diễn ra Hội hoa Sở, du khách từ nhiều nơi đến xã Đồng Tâm chiêm ngưỡng cảnh tươi đẹp tự nhiên của núi rừng biên cương. Du khách được trải nghiệm không gian đa sắc màu của Bình Liêu thông qua các điệu múa, những lời hát mượt mà của điệu hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, hát Then của người Tày, hát Páo Dung của người Dao, cùng với các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Ai thích thể thao thì tham dự các trò chơi dân gian của bà con, như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co. Đến ngày hội, bạn còn được người dân địa phương mời thưởng thức các món ăn độc đáo vào đúng dịp lễ mừng cơm mới, như bánh cốc mò, xôi ngũ sắc được nấu từ gạo nếp nương và năm loại lá rừng...
Năm 2021, nếu không vì lý do dịch Covid-19 thì chắc chắn sẽ diễn ra Lễ hội Trà hoa vàng (cuối tháng 12). Trước đó, năm 2020, Lễ hội Trà hoa vàng lần thứ III được tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh dịp cuối năm. Với chủ đề “Trà hoa vàng - Danh trà Đất Việt”, không gian Lễ hội tràn ngập sắc vàng của gần 200 cây trà hoa vàng đang bung nở. Đến với Lễ hội, du khách có thể thưởng thức trà, ngắm hoa và mua các sản phẩm từ cây trà hoa vàng Ba Chẽ với những công dụng tốt trong điều trị và phòng ngừa ung thư, chống mỡ máu, đái tháo đường và xơ vữa động mạch... Trong khuôn khổ Lễ hội cũng có nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của địa phương, như rượu ba kích, nấm lim xanh, mật ong rừng...
Trà hoa vàng là loài cây đặc hữu một thời sống tự nhiên trong các khu rừng ở Ba Chẽ. Hiện Ba Chẽ có 146ha trồng cây trà hoa vàng, trong đó có khoảng 50% đã được thu hoạch; kế hoạch đến năm 2025 trồng 230ha cây trà hoa vàng. Trà hoa vàng là sản phẩm OCOP 5 sao của huyện Ba Chẽ đang trên đường trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.
Công dụng của trà hoa vàng đã được PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam công bố tại Hội Trà hoa vàng lần thứ III, huyện Ba Chẽ năm 2020. Hiện Ba Chẽ đã cho ra mắt các sản phẩm từ trà hoa vàng như: Hoa, lá khô, bột matcha trà hoa vàng, bánh trà hoa vàng, nước uống từ trà hoa vàng. Những sản phẩm này bước đầu được người tiêu dùng đón nhận; đã có một số doanh nghiệp tại Hạ Long, Hà Nội đặt vấn đề hợp tác, phân phối sản phẩm...
Vai trò người phụ nữ được đề cao trong các lễ hội
Trong nhiều lễ hội các huyện miền Đông, phụ nữ chiếm ưu thế vượt trội trong các môn thi. Thậm chí có các môn thi một thời là độc quyền của phái mày râu, nay lại được chị em phát huy một cách tốt hơn. Ở Bình Liêu, trong Lễ hội đình Lục Nà, có rất đông người đến cổ vũ chị em thi môn đánh quay.
Môn đánh quay (người miền xuôi gọi là đánh gụ). Con quay là cả thân cây gỗ đường kính hơn 10cm được cắt ngang, thường là gỗ cứng như gỗ dẻ, gỗ gụ. Người chơi quấn dây dưới chân con quay rồi giơ lên cao quật mạnh xuống dưới nền sân, vừa mạnh mẽ nhưng cũng phải khéo léo để con quay quay đều. Người chơi tiếp theo phải tìm cách chọi trúng con quay của đối thủ đánh trước để khiến nó ngừng quay.
Ở các xã vùng cao như Đồng Tâm, Lục Hồn (huyện Bình Liêu), hầu như ở thôn bản nào cũng có đội đánh quay nữ. Người đánh quay giỏi thường rất được nhiều người thích, bởi người đó thể hiện được sự khéo léo, biết giữ thăng bằng cho cuộc sống gia đình. Ngày nay, phụ nữ cũng phải lo lắng nhiều công việc chính trong gia đình và xã hội không kém gì đàn ông, phải chăng vì thế họ cũng muốn thể hiện mình qua môn đánh quay.
Trong những năm gần đây, huyện Bình Liêu rất nổi tiếng với môn đá bóng nữ Sán Chỉ, thậm chí còn nổi tiếng cả nước. Xã Húc Động (huyện Bình Liêu) có 9 thôn thì có tới 6 đội bóng nữ, vượt xa các đội đá bóng nam. Cuối tháng 11/2020, các hoa hậu, á hậu Việt Nam đã có cuộc giao lưu bóng đá với đội bóng của thôn Nà Ếch (xã Húc Động). Những người đẹp mặc quần áo dân tộc Sán Chỉ đá bóng như người dân địa phương. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Cùng hoa hậu chắp cánh du lịch Việt” tại Quảng Ninh.
Đến các lễ hội mùa xuân ở huyện Tiên Yên, ta còn gặp nhiều chị em phụ nữ tham gia đua thuyền. Ở xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) có 3 đội tham gia đua thuyền thì có tới 2 đội nữ. Công việc hằng ngày của chị em ở đây là khai thác ngao, vạng, sá sùng… dưới các tán rừng ngập mặn. Để khai thác có hiệu quả, bà con sắm thuyền mủng, chèo thuyền theo các con lạch để di chuyển được nhanh, chở được nhiều sản phẩm hơn mà họ đã khai thác được trong ngày. Rất nhiều phụ nữ giỏi chèo thuyền bởi yêu cầu công việc...
Tôn vinh tinh thần lao động của người dân
Hầu như ở lễ hội nào, bên cạnh phát huy các phong tục tập quán, là tôn vinh sự lao động chịu khó, cần cù của người dân. Hầu hết cuộc sống của người dân miền Đông trông vào các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Đến các lễ hội, chúng ta dễ dàng nhận thấy các cuộc thi tôn vinh lao động sản xuất như: Thi cầy, thi cấy, thi cuốc hố tra hạt, thi đan sọt, thi gói bánh, thi làm mâm cỗ…
Ở Lễ hội đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) tổ chức lễ cuốc hố tra hạt, lễ đưa trâu ra đồng, thể hiện các hoạt động thường ngày của người dân. Những người tham gia thi đều là những người tiêu biểu xuất sắc về lao động sản xuất do thôn chọn ra, họ cũng là những người có nhiều hiểu biết trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con đặt hết niềm tin vào họ để khai màn cho ngày hội, tin tưởng những người đó sẽ đem lại nhiều may mắn cho sản xuất mùa vụ năm mới của thôn, xã mình.
Ở Xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) thường tổ chức Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) vào cuối tháng Giêng. Nguồn gốc của hội Lồng Tồng là của người Tày, nhưng mục đích vui xuân còn thúc đẩy sản xuất, nên huyện Ba Chẽ đã đề xuất tất cả các xã trên địa bàn luân phiên tổ chức Lễ hội Lồng Tồng hằng năm. Các môn thi cày trong Lễ hội, tuyển chọn trâu khỏe và thợ cày xuất sắc. Môn thi cấy, mỗi thôn tuyển chọn ra thợ cấy giỏi. Sau Lễ hội, các gia đình bắt đầu gieo trồng, đem không khí hào hứng từ thi cày, thi cấy vào sản xuất trên đồng ruộng.
Mùa xuân đến, nhiều lễ hội ở các địa phương miền Đông của tỉnh phải tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Mùa xuân hoa sở, hoa trà hoa vàng... vẫn nở rực rỡ; người dân hăng say lao động sản xuất, đón một năm mới bình an, hạnh phúc, ấm no.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()