Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:05 (GMT +7)
Nối liền một dải miền Đông Bắc
Thứ 5, 20/05/2021 | 14:45:53 [GMT +7] A A
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là cái Tết không nghỉ với những người thợ thi công dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. “Chúng tôi làm việc xuyên Tết với trên 400 phương tiện, máy móc, trên 1.000 cán bộ, công nhân thi công 3 ca liên tục, 3 phòng thí nghiệm hiện trường trên toàn tuyến. Ngày chạm mốc “500 ngày đêm” sẽ là ngày toàn thắng của dự án!” - Ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó Giám đốc điều hành thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kể. Ngày toàn thắng của dự án thi công đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng là ngày Quảng Ninh chốt con số gần 200km đường cao tốc nối từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, hoàn thành hành trình nối liền một dải hạ tầng giao thông hiện đại từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố cửa khẩu biên giới Móng Cái!
Hoàn thành giấc mơ “cao tốc nối cao tốc”
15 năm trước tuyến QL18A đoạn Mông Dương - Móng Cái là quãng đường thử thách tay lái của cánh lái xe đường dài liên tỉnh. Đó là những khúc cua gấp đặc biệt trơn trượt; những ngầm, tràn qua đường bất thình lình bị phong tỏa do lũ từ thượng nguồn đổ về; những đoạn cua đã hẹp lại bị đất đá trên đồi đổ ra vùi lấp mỗi mùa mưa…
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thông chia sẻ: Trước khi hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng QL18A đoạn Mông Dương - Móng Cái (năm 2011), việc chỉ đạo, giải quyết trực tiếp tại hiện trường xử lý tình trạng tắc đường do xe container đổ, do sạt lở đất đá từ trên đồi vùi lấp chia cắt giao thông là công việc thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, lực lượng công an, giao thông, các huyện. Thời điểm năm 2008, có những vụ ách tắc phải mất tới 3 ngày vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, huy động các lực lượng mới thông được đường, đầu Tiên Yên xe ô tô đỗ dài tới gần cầu Ba Chẽ, đầu Hải Hà xe đỗ gần tới thị trấn Quảng Hà.
Quảng Ninh có đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn trải dài, hạ tầng giao thông phức tạp. Xuyên suốt dọc tỉnh nối từ Thủ đô Hà Nội về Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ có con đường độc đạo là QL18A, trong khi đó đường sá xuống cấp, thường xuyên tắc nghẽn ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, đến sự phát triển của tỉnh. Chính vì vậy, từ rất nhiều năm trước tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Chính phủ cho sử dụng ngân sách địa phương làm đường QL18A đoạn từ Tiên Yên ra Móng Cái dài gần 100km qua các bước theo cân đối ngân sách của tỉnh: Đầu tiên là cấp phối, sau nhựa hóa, vượt lũ qua các đường tràn và đến năm 2011 là hoàn thành nâng cấp, mở rộng.
“Mỗi một thời điểm yêu cầu về hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nếu như trước năm 2011 chúng ta thấy mở rộng, nâng cấp được QL18A đã là tốt lắm rồi thì sang thập niên mới các tuyến đường cao tốc, sân bay, cảng biển quốc tế mới đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, mới gỡ được các điểm nghẽn để có những đột phá trong tăng trưởng” - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thông đánh giá.
Để gỡ được một điểm nghẽn tăng trưởng, đó là hạ tầng giao thông, bằng hình thức hợp tác công - tư (PPP), tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện giải phóng mặt bằng và sử dụng hình thức PPP để làm đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, làm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái. Đến nay các tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn hoàn thành đưa vào sử dụng đã thông suốt hoàn toàn hành trình lưu thông hàng hóa từ các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; lưu thông hoàn toàn con đường du lịch quốc tế, trong nước từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn đến Vịnh Hạ Long.
Năm 2021 này, khi tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành sẽ liên thông hoàn toàn đường cao tốc từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, liên thông Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), liên thông Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái…
Tăng năng lực đối trọng quốc gia
Đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công hằng năm là trên 53% tổng chi ngân sách địa phương và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014-2020, Quảng Ninh đã huy động được trên 123.000 tỷ đồng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ...
Hệ thống kết cấu hạ tầng được ưu tiên đẩy nhanh xây dựng, hiện đại hóa đã thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo nên những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch và tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới.
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt ra 5 nhóm mục tiêu lớn, đó là: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2025 đạt trên 117.000 tỷ đồng, trung bình giai đoạn 2021-2025 tăng trên 10%/năm; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; hoàn thành xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu mở; hoàn thành đồng bộ hạ tầng giáo dục đào tạo, y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao; hoàn thành cải tạo nâng cấp các hồ chứa nước trọng yếu tại các khu vực Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Vân Đồn, Uông Bí và hệ thống cung cấp nước sạch, đặc biệt là việc cung cấp nước sạch nông thôn; cải thiện đáng kể hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường xử lý nước thải, rác thải y tế, sinh hoạt…
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để Quảng Ninh triển khai các dự án mang tầm vóc lớn hơn. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn hẹp, nhu cầu đầu tư hạ tầng, dịch vụ xã hội rất cao thì việc kêu gọi các nguồn lực xã hội là rất cần thiết. Đối với tỉnh Quảng Ninh, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển. Vì vậy, việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách, của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là hết sức cần thiết và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới”.
Tạo hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm, động lực và phải hoàn thành trong năm 2021 như đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, 3… và xúc tiến thu hút đầu tư Cảng Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh. Dòng vốn ngân sách tiếp tục là “hoa tiêu” khơi thông nguồn lực xã hội, mở những cánh cửa liên kết vùng từ Quảng Ninh để thúc đẩy sự phát triển của tất cả các địa phương, góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong giai đoạn mới.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()