Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 12:14 (GMT +7)
Lễ hội trong quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc
Chủ nhật, 05/11/2023 | 07:24:52 [GMT +7] A A
Theo Giáo sư Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, căn cứ vào không gian của dãy Yên Tử thì lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử trải qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh.
GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng, lễ hội dân gian đã thể hiện sự phong phú của không gian văn hóa Yên Tử. Không gian văn hóa Yên Tử sẽ bao trùm tất cả các giá trị văn hóa của Yên Tử. Chỉ riêng di sản văn hóa phi vật thể đã đa dạng và phong phú chưa kể đến các di sản vật thể và danh thắng khác.
Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần như hành hương về nơi đất Phật mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh khu vực này để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn và linh thiêng thu hút người hành hương khắp mọi miền đất nước.
Theo chiều từ Tây sang Đông, các lễ hội bắt đầu từ Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương sang Đông Triều, Uông Bí kéo dài tiếp qua các địa phương của Quảng Ninh. Tại Hải Dương có các lễ hội: Hội xuân chùa Côn Sơn, lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai, lễ hội chùa Hun. Đặc biệt là lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tái hiện Hào khí Đông A trên sông Lục Đầu, với sự tham gia của nhiều thuyền bè của ngư dân liên vùng, liên tỉnh.
Lễ hội còn mang những giá trị đặc biệt và riêng có, đó là tính linh thiêng, tính nhân văn và tính độc đáo không chỉ cầu siêu cho các tướng sĩ nhà Trần hy sinh trên sông mà còn cầu siêu cho cả quân tướng Nguyên Mông tử trận trên sông Lục Đầu.
Không gian văn hoá liên tỉnh này còn có cả một phần phía Tây đó là Tây Yên Tử cũng kết nối với các khu vực khác của Bắc Giang giống như phía Hải Dương và Quảng Ninh với lễ hội xuân Tây Yên Tử, lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội chùa Kế, lễ hội chùa Hồng Phúc...
Riêng ở Quảng Ninh, liên quan đến Yên Tử và văn hoá nhà Trần có thể điểm ra các lễ hội như: Lễ hội đền An Sinh, lễ hội của các làng ven dãy Yên Tử, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội chùa Long Tiên, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội chùa Cái Bầu...
Như vậy, nếu khai thác ở khía cạnh không gian văn hóa dù nói chung hay không gian văn hóa tâm linh nói riêng thì đều tập hợp được rất nhiều giá trị văn hóa của Quảng Ninh nói riêng, của các địa phương khác liên quan đến khu vực Yên Tử nói chung. Giáo sư Lê Hồng Lý đề xuất tổ chức được một lễ hội hành hương theo đúng con đường mà Phật hoàng đã đi.
Không dừng ở các lễ hội truyền thống, hiện nay, cộng đồng dân cư vừa bảo tồn những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống Yên Tử, vừa cải biến nâng cấp lễ hội thành một sinh hoạt văn hoá cộng đồng hiện đại đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ mới về văn hóa. Do đó, lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa phong phú và đa dạng có chức năng xã hội rộng lớn, giải tỏa tâm linh cho cộng đồng dân cư. Tại Quảng Ninh, bên cạnh một lễ hội xuân truyền thống mấy năm nay còn có một lễ hội mai vàng Yên Tử gắn với hoa anh đào Nhật Bản. Đó là sự sáng tạo của cộng đồng và được cộng đồng thừa nhận.
Phạm Học
- Lễ hội Bàn Vương huyện Ba Chẽ lần thứ III sẽ diễn ra vào ngày 18/11
- Rộn ràng Lễ hội Mùa vàng miền Soóng Cọ Đại Dực năm 2023
- Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 17/11
- Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội mời khách trải nghiệm ẩm thực Michelin
- Khai mạc Lễ hội Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt
- Thúc đẩy tăng trưởng du lịch từ tổ chức sự kiện, lễ hội độc đáo
- Lễ hội Mùa vàng miền Soóng Cọ Đại Dực năm 2023 sẽ diễn ra ngày 29/10
Liên kết website
Ý kiến ()