Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 21:55 (GMT +7)
Kỳ vọng sự đột phá từ mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp
Thứ 5, 26/12/2024 | 10:26:43 [GMT +7] A A
Tại Kỳ họp lần thứ 23 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh. Quảng Ninh là một trong 4 địa phương trong cả nước thực hiện mô hình thí điểm này. Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp với nhiều bước đột phá mới được kỳ vọng sẽ giúp Quảng Ninh tiếp tục khai thác hiệu quả dư địa cải cách hành chính.
Theo số liệu thống kê đến hết năm 2024, trung bình mỗi năm, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và 13 trung tâm cấp huyện trên địa bàn tỉnh xử lý hơn 6 triệu hồ sơ hành chính; tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt trên 98% và tỷ lệ hài lòng của người dân ở mức trên 95%. Hệ thống các Trung tâm hành chính công của Quảng Ninh đã cho thấy nhiều điểm tích cực, ưu việt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống hiện tại còn tồn tại một số bất cập, như: Quy trình hành chính đôi khi vẫn phức tạp, kéo dài do việc phân cấp xử lý giữa các đơn vị cấp huyện và tỉnh; sự không đồng bộ trong ứng dụng CNTT khiến một số hồ sơ phải xử lý thủ công, gây khó khăn trong quản lý và theo dõi tiến độ; người dân ở các khu vực xa trung tâm tỉnh đôi khi vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ hành chính nhanh chóng…
Do đó, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp chuẩn bị triển khai được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những tồn tại này, tạo ra bước đột phá mới, khai thác các dư địa trong cải cách hành chính. Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp sẽ sắp xếp lại hệ thống các Trung tâm Phục vụ hành chính công thống nhất một đầu mối trong công tác giải quyết TTHC. Trung tâm sẽ gồm 4 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 13 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các Trung tâm Hành chính công cấp huyện và sắp xếp bố trí lại các bộ phận giải quyết TTHC của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tại trụ sở chính sẽ bố trí 1 cán bộ thay thế cán bộ 4 sở ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao; đưa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Hồng Hà vào thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC; cán bộ của 14 sở, ngành và các cơ quan ngành dọc khác sẽ tiếp nhận, giải quyết TTHC của ngành mình và hướng dẫn TTHC phi địa giới thuộc lĩnh vực của ngành tương ứng của cấp huyện. Tại các chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ bố trí cố định 5 lĩnh vực bao gồm: Tài chính - Kế hoạch, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường. Cán bộ chuyên trách Trung tâm sẽ hướng dẫn, số hóa, tiếp nhận thay thế các phòng chuyên môn khác và hướng dẫn TTHC phi địa giới.
Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ bố trí cố định 2 lĩnh vực, bao gồm: Tư pháp - hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội và 1 đồng chí lãnh đạo UBND cấp xã để phê duyệt TTHC thuộc thẩm quyền. Công chức lĩnh vực lao động ngoài việc tiếp nhận, giải quyết TTHC lĩnh vực thuộc quyền quản lý còn hướng dẫn, số hóa, tiếp nhận hồ sơ đối với các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền của cấp xã và một số TTHC phi địa giới. Ngoài ra, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp sẽ nghiên cứu, bố trí, chuyển giao một số nhiệm vụ như hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, số hóa hồ sơ, trả kết quả... cho nhân viên doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
Có thể thấy, Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp làm thay đổi căn bản việc phân cấp quản lý theo địa giới hành chính (tỉnh, huyện, xã) sang quản lý theo khu vực, tập trung, thống nhất tại một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC và hướng dẫn thực hiện TTHC phi địa giới; bảo đảm sự linh hoạt trong bố trí cán bộ phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ cũng như nâng cao tính độc lập, tạo điều kiện cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để mô hình này có thể triển khai thành công, Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong việc đồng bộ hạ tầng công nghệ, trang thiết bị phục vụ công việc; việc thay đổi nhận thức và thói quen của tổ chức, cá nhân; đảm bảo chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân cho biết: Để mô hình này nhanh chóng hoàn thiện về mặt tổ chức và đi vào hoạt động ngay, trước mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đang tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Cùng với đó, Trung tâm cũng đang tích cực xây dựng và sẽ sớm ban hành các nội quy, quy chế nội bộ, nhất là quy chế làm việc của Trung tâm; chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tiếp nhận bàn giao tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc của Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã được gộp vào Trung tâm và các chi nhánh... Đặc biệt, Trung tâm sẽ chú trọng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ hoạt động tiếp nhận và giải quyết TTHC theo mô hình một cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tính mới, tính hiệu lực, hiệu quả của mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp... với mục tiêu cao nhất là đảm bảo không làm gián đoạn việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()