Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 11:47 (GMT +7)
Lễ và Hội trong Lễ Hội
Chủ nhật, 03/02/2013 | 04:10:56 [GMT +7] A A
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Cứ sau dịp Tết Nguyên đán, ở các đình, chùa, các khu di tích, danh thắng v.v.. không khí lễ hội bắt đầu “nóng” dần lên. Đặc biệt, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của du lịch văn hoá tâm linh, các lễ hội đã được tổ chức với quy mô lớn hơn và nhiều lễ hội trước bị mai một, quên lãng thì nay cũng được phục dựng lại... Mà không chỉ ở các làng quê, ngay cả ở các khu đô thị cũng vậy, lễ hội đã trở thành một hoạt động văn hoá không thể thiếu, nhất là trong những ngày xuân...
Việc tổ chức lễ hội là xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng; nó thể hiện khát vọng hướng thiện của con người. Và vì thế, trong hoạt động lễ hội, yếu tố tâm linh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng; không có yếu tố tâm linh thì không có lễ hội. Hay nói cách khác, phần LỄ trong Lễ hội là cái đầu tiên, “cái gốc” của loại hình sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng này. Ngày nay, tín ngưỡng, niềm tin vào những nghi lễ mang tính linh thiêng đã giảm đi và vì thế, phần LỄ trong Lễ hội cũng theo đó mà được giản lược, bớt đi nhiều những thủ tục cầu kỳ, rườm rà; thay vào đó, phần HỘI được quan tâm hơn, với những hoạt động văn hoá nhiều màu sắc, đa dạng và sinh động hơn...
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, “cái gốc” của lễ hội là tín ngưỡng, tâm linh. Vậy nên, nếu không chú trọng mà coi nhẹ phần LỄ thì rất dễ biến lễ hội thành một sinh hoạt văn hoá bình thường như các hoạt động văn hoá khác. Điều này đã từng xảy ra ở nhiều lễ hội trước đây; chẳng hạn như có những lễ hội người ta thuê hẳn một công ty chuyên tổ chức sự kiện trực tiếp dàn dựng chương trình; thậm chí có khi còn mời cả những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn. Tất nhiên, điều này không có gì đáng chê trách, nếu chương trình ấy vẫn đảm bảo tính truyền thống, mang đặc trưng của văn hoá lễ hội; cái đáng nói là những hoạt động lễ hội được tổ chức như thế thường hay thiên về xu hướng hiện đại hoá lễ hội, làm mất đi nét văn hoá truyền thống vốn có của nó. Và quan trọng hơn, nó làm mất đi vai trò chủ thể sáng tạo trong lễ hội của người dân bản địa. Người ta đi lễ hội không chỉ để thưởng thức mà còn là để tham gia vào các hoạt động lễ hội, cả trong phần LỄ và phần HỘI. Khi mọi hoạt động lễ hội đã được “lập trình” thì lúc ấy người dân chỉ còn mang tính thụ động, đóng vai khán giả nữa mà thôi... Ấy là chưa kể, nếu bỏ qua phần LỄ, chỉ chú trọng phần HỘI, chưa chắc đã hấp dẫn khách thập phương nhiều hơn. Bởi sự linh thiêng của một đền, chùa, di tích v.v.. mới là cái quan trọng nhất kéo mọi người đến với lễ hội. Trong cuộc sống hôm nay, du lịch và lễ hội luôn đi cùng với nhau. Trẩy hội cũng là một hình thức du lịch, nhưng nó là một loại hình du lịch đặc thù, vừa là để tham quan, vãn cảnh, vừa là để cầu mong những điều tốt đẹp cho mình, cho người thân của mình trong cuộc sống. Vì thế, nếu chỉ để “xem” thì chắc chắn người ta không đi lễ hội nhiều như thế!
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa việc tổ chức lễ hội chỉ cần chú trọng phần LỄ... Và cũng không có nghĩa mọi nghi lễ trong lễ hội cứ phải câu nệ như cũ, cho dù nó mang tính mê tín dị đoan. Đây là điều cần phải loại bỏ. Nhưng loại bỏ cái gì và loại bỏ đến mức nào thì phải cân nhắc. Ở một lễ hội diễn ra năm trước, từng thấy trong phần LỄ, vị chủ tịch UBND địa phương nọ “khăn đóng, áo the” tề chỉnh, quỳ lạy trước điện thờ đọc sớ dâng lên thần linh cầu mong một năm “mưa thuận gió hoà, người người an khang, thịnh vượng...”. Nghe cứ như một ông thầy cúng đang hành lễ, quả là không nên!
Nhân dịp mùa xuân, mùa của lễ hội đang đến, có đôi lời bộc bạch, lỡ sơ suất điều gì, mong được lượng thứ!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()