Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:23 (GMT +7)
Lên kịch bản để giá cả không leo thang khi tăng lương cơ sở
Thứ 6, 23/06/2023 | 08:24:47 [GMT +7] A A
Từ ngày 1.7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%). Điều này dẫn đến nhiều ý kiến lo ngại việc lương cơ sở tăng khiến mặt bằng giá cả tăng theo. Đại diện Bộ Tài chính đã có những chia sẻ về các kịch bản điều hành giá trong thời gian tới.
Tính toán kĩ để lạm phát không vượt quá 4,5%
Ông Phạm Văn Bình - Trưởng phòng Quản lí thẩm định giá (Cục Quản lí giá, Bộ Tài chính) - cho hay, cơ quan chức năng đã xây dựng kịch bản cho những tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều hành giá như tăng lương và một số tình huống khác trong thời gian sắp tới, đồng thời, tính toán rất kỹ để cuối năm 2023 lạm phát không vượt quá 4,5% chỉ tiêu do Quốc hội giao.
Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra kịch bản tập trung chỉ đạo vào các nhóm nội dung cụ thể bao gồm bám sát thị trường, giá cả để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, chú ý đặc biệt đến các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu… vì có thể từ giá cả của mặt hàng này sẽ tác động sang giá các mặt hàng khác. Liên tục nắm bắt tình hình, cân đối cung cầu của các mặt hàng này trong quá trình điều hành giá.
Ngoài ra, với các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành thận trọng phù hợp tình hình thực tế.
Cơ quan chức năng sẽ theo dõi sát sao hoạt động kê khai, thông báo giá và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lí giá để tránh tình trạng xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ tăng giá.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, bên cạnh các kịch bản trên, khi tiến hành tăng lương cơ sở từ ngày 1.7 cần đẩy mạnh công tác truyền thông tâm lí cho người dân để mọi người tiêu dùng thấy rằng, việc tăng lương cơ sở là hết sức bình thường và đã nằm trong kế hoạch.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần thận trọng trong điều hành để giữ lạm phát năm 2023 theo mục tiêu đề ra.
Xử lí nghiêm đầu cơ, thao túng giá
Các chuyên gia kinh tế phân tích: Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Việc tăng lương cơ sở thời gian tới dự báo giá xăng dầu, giá điện tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng; giá thực phẩm, đặc biệt giá thịt dự báo tăng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, là các yếu tố gây áp lực lên lạm phát cuối năm.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lí nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.
Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Mới đây, Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi) và chính thức có hiệu lực từ 1.7.2024. Đáng chú ý, Luật Giá (sửa đổi) quy định, bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi giá biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Luật Giá cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ.
Luật Giá cấm lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi...
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()