Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:19 (GMT +7)
Lí do phim Hàn Quốc nên ưu tiên khán giả châu Á
Thứ 6, 27/09/2024 | 10:09:52 [GMT +7] A A
Thời gian qua, nhiều bộ phim Hàn Quốc đều tập trung vào thể loại thế mạnh - hài lãng mạn để thu hút khán giả châu Á.
Một tuần trước, Netflix công bố có 3 bộ phim Hàn Quốc là “Nữ hoàng nước mắt”, “Ký sinh thú: Vùng xám” và “Chàng quỷ của tôi” lọt vào bảng xếp hạng 10 chương trình không phải tiếng Anh hay nhất của nền tảng trong nửa đầu năm nay.
Theo nhà phê bình văn hóa Jung Duk Hyun, thành công của những bộ phim nói trên là nhờ vào những nhà sáng tạo tài năng đứng sau chúng.
Với “Nữ hoàng nước mắt”, phim được chấp bút bởi Park Ji Eun - biên kịch nổi tiếng với các bộ phim ăn khách như “Vì sao đưa anh tới”, “Hạ cánh nơi anh”.
Trong khi “Ký sinh thú: Vùng xám” được đạo diễn bởi Yeon Sang Ho - người nổi tiếng với phim “Chuyến tàu sinh tử”, còn “Chàng quỷ của tôi” có sự tham gia của Song Kang - diễn viên rất được yêu thích trong các bộ phim truyền hình của Netflix.
Theo Jung Duk Hyun, điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong thị trường phim truyền hình Hàn Quốc, khi chuyển hướng từ nội dung đen tối như “Trò chơi con mực” sang thế mạnh phim hài lãng mạn để thu hút khán giả châu Á.
Trong khi đó, nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik tin rằng, dù thời gian qua không có thêm bom tấn Hàn Quốc mới nào tạo ra sức ảnh hưởng toàn cầu như “Ký sinh trùng” hay “Trò chơi con mực”, nhưng các phim truyền hình ăn khách tầm trung vẫn phát triển mạnh, đặc biệt là ở các thị trường không nói tiếng Anh, bao gồm cả châu Á.
Đơn cử như với phim hài lãng mạn “Cõng anh mà chạy”, dù được sản xuất với kinh phí thấp, nhưng vẫn càn quét nhiều bảng xếp hạng OTT (chiếu trực tuyến) ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Khán giả châu Á có xu hướng thích những câu chuyện xoay quanh câu chuyện đạo đức theo hướng sâu sắc, nơi thiện và ác không chỉ đơn thuần là đen và trắng. Cả 3 tác phẩm lọt vào bảng xếp hạng của Netflix đều có đặc điểm này.
Việc nhấn mạnh vào chủ nghĩa nhân văn và cộng đồng này tạo được tiếng vang với khán giả không nói tiếng Anh. Ngược lại, khán giả phương Tây thường thích những câu chuyện mang tính cạnh tranh hơn, như “Physical 100” - Kim Hern Sik giãi bày cùng Korea Times.
Nhà phê bình cho rằng, ngành công nghiệp nội dung Hàn Quốc đã quá tập trung vào thị trường phương Tây trong những năm gần đây mà bỏ quên thế mạnh của mình ở châu Á. Những bộ phim như “The 8 Show” hay “Nữ hoàng Woo” dù được đầu tư nhưng ít ưa chuộng, hay phù hợp với thị hiếu phương Tây.
“Vậy nên, việc ưu tiên khán giả châu Á, tạo ra những tác phẩm phù hợp về đạo đức và chủ nghĩa nhân văn nên được đẩy mạnh ở thời điểm hiện tại. Mặc dù lợi ích ngắn hạn có thể không chắc chắn, nhưng tiềm năng dài hạn của nội dung tiếng Hàn tại các thị trường không nói tiếng Anh là rất lớn” - Kim Hern Sik cho biết.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()