Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 10:20 (GMT +7)
Lịch sử Ngày Truyền thống công nhân mỏ
Thứ 5, 09/11/2023 | 16:56:35 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong những "cái nôi" ra đời sớm nhất của giai cấp công nhân Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ công nhân khu mỏ gắn liền với phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh chống lại sự áp lực, bóc lột của bọn thực dân, chủ mỏ Pháp.
Quảng Ninh có nguồn dự trữ than đá lớn, chất lượng tốt; có cảng biển và đường giao lưu quốc tế thuận lợi vì thế các tập đoàn tư bản nước ngoài luôn nhòm ngó và tìm cách chiếm đoạt.
Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, sau cuộc đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), năm 1874, chúng buộc triều Nguyễn phải mở rộng cảng than Hòn Gai cho thương nhân nước ngoài vào buôn bán, mua than. Năm 1881, chúng đã đưa các đoàn kỹ thuật đến khu mỏ Hòn Gai thăm dò, khảo sát địa chất nơi đây và phát hiện than ở vùng mỏ này là một thứ than đặc biệt tốt.
Vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, sau khi đánh chiếm Hà Nội được tám ngày, ngày 12/3/1883, chúng đem 500 quân đánh chiếm Hòn Gai dựng trại tại Bãi Cháy. Từ đó bắt đầu thời kỳ thực dân Pháp chiếm giữ và khai thác khu mỏ.
Năm 1884, sau khi ép triều đình nhà Nguyễn kí hiệp ước Patơnốt đánh dấu sự đầu hàng của nhà Nguyễn giao nước ta vào tay Pháp, chúng tiếp tục ép triều đình nhà Nguyễn làm khế ước bán mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả cho tên tư bản Pháp là Ba-vi-ê-sô-phua với giá 10 vạn đồng Đông Dương, trong thời hạn 100 năm. Kể từ đó, nhân dân khu mỏ chịu sự áp bực, bóc lột của bọn tư bản Pháp.
Ngày 24/4/1888, Công ty mỏ than đầu tiên của người Pháp được thành lập có tên là Công ty mỏ Bắc Kỳ, phạm vi khai thác từ phía Bãi Cháy đến Mông Dương. Kể từ đó dưới thời Pháp, Hòn Gai, Cẩm Phả còn có tên gọi tắt là “vùng đất nhượng” tức thuộc quyền của chủ mỏ, có bộ máy bạo lực riêng. Lúc mới thành lập đã tuyển mộ được 3.000 công nhân. Năm 1888, triều Nguyễn lại nhượng bán khu vực Đông Triều - Mạo Khê cho tập đoàn tư bản Pháp Mác-Ty, với giá 9 triệu Franc, thời hạn 99 năm. Với những khế ước trên, các vùng đất "béo bở" trong khu mỏ Quảng Ninh đã được nhà Nguyễn cắt nhượng, phân chia hết cho bọn chủ tư bản Pháp. Quá trình khai thác than là quá trình ra đời và phát triển đội ngũ công nhân Quảng Ninh. Có thể nói, Quảng Ninh là nơi có đội ngũ công nhân ra đời sớm nhất, là một trong những “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam.
Kết thúc thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) lực lượng công nhân đã trở thành một giai cấp. Kết thúc cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 - 1929), số lượng công nhân ngày càng đông đảo và trưởng thành về mặt chất lượng. Năm 1929, toàn Đông Dương có 38.665 thợ mỏ thì riêng công nhân khu mỏ có 35.000 người; đến năm 1939 công nhân khu mỏ lên tới 42.300 người. Bên cạnh công nhân mỏ, công nhân trong các ngành kinh tế khác như: gốm sứ, xây dựng, giao thông vận tải, lâm nghiệp, ngư nghiệp cũng là con số đáng kể và ngày càng đông đảo thêm.
Sống trong khu vực “đất nhượng”, công nhân mỏ chịu sự thống trị của hai bộ máy bạo lực của chính quyền thực dân và bọn chủ mỏ. Họ bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn, ngày làm 10 giờ, có khi phải làm tới 12 giờ, nhưng tiền lương lại rất thấp. Trong hoàn cảnh lương ít ỏi, giá cả ngày càng cao, công nhân mỏ còn bị chủ thầu, cai, giám thị cúp tiền lương, đánh đập; chứa bạc, mở tiệm hút thuốc phiện; độc quyền bán lương thực, thực phẩm, làm cho công nhân mỏ phải sống kham khổ và rách rưới. Tình cảnh điêu đứng, cơ cực của người thợ mỏ là lý do cắt nghĩa tại sao các cuộc đấu tranh của họ bắt đầu từ khi họ mới ra đời.
Trước khi có Đảng, các phong trào đấu tranh của công nhân chủ yếu mang tính tự phát, đấu tranh lẻ tẻ, không có tổ chức để giải quyết sự tức giận nhất thời nên đã không giành được lợi ích kinh tế cũng như chính trị, mà ngược lại còn bị đánh đập, đe đuổi khỏi nhà máy thậm chí là bị giết hại. Sau dần, họ biết chuyển hình thức đấu tranh tự phát sang tự giác, có tổ chức, thu hút đông đảo người công nhân tham gia và đạt được quyền lợi cả về kinh tế và chính trị. Đặc biệt kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, khu mỏ lần lượt xuất hiện các chi bộ đảng ở mỏ Mạo Khê, Vàng Danh - Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả - Cửa Ông. Như vậy, đến đầu năm 1930, trong hầu hết các nơi tập trung đông công nhân đều có các chi bộ Đảng.
Kể từ khi Đảng ra đời, các phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói chung và giai cấp công nhân nói riêng đã có sự lãnh đạo của Đảng nên đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo, đạt được nhiều quyền lợi về kinh tế và chính trị. Đặc biệt là cao trào cách mạng dân sinh dân chủ 1936 - 1939 do Đảng phát động.
Ngay trong đêm ngày 12 tháng 11, Ban lãnh đạo cuộc bãi công tranh thủ lúc chính quyền thực dân và bọn chủ mỏ lơ là, sơ hở, mất cảnh giác đã khẩn trương chuẩn bị những công việc cho cuộc bãi công. Không khí chuẩn bị bãi công bao trùm cả khu vực Cẩm Phả. Ngay đêm đó, các đội bảo vệ đã thành lập các trạm kiểm soát trên các ngả đường dẫn lên công trường, tầng than để tuyên truyền vận động thợ mỏ tham gia bãi công. Truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích, dán ở các lán thợ và trên các đường phố.
Rạng sáng ngày 13 tháng 11 năm 1936, một vạn thợ mỏ Cẩm Phả tuyên bố bãi công. Từ sáng sớm, anh chị em công nhân đi làm đã dựng lại quây quần quanh các tờ áp phích kêu gọi bãi công với nội dung: “Hỡi anh chị em! Chúng ta làm lụng cực khổ, lương không đủ sống. Chúng ta không muốn chết đói, chết bệnh. Vậy tất cả hãy bãi công. Đòi chủ tăng lương lên ba hào một ngày. Đòi chủ phải mua cuốc xẻng. Anh chị em hãy đồng tâm, đừng để người ta phá cuộc đấu tranh của chúng ta. Hãy tỉnh táo! Đừng mắc mưu khiêu khích! Kỷ luật và đồng tâm! Chúng ta sẽ thắng”.
Sau khi đọc xong nội dung kêu gọi bãi công trên, tất cả anh chị em công nhân trên địa bàn mỏ Cẩm Phả không ai bảo ai, đều lần lượt ra về. Để đáp trả yêu sách của người công nhân, bọn chính quyền thực dân đã điều 500 lính lê dương và lính khố xanh từ Hải Phòng về để đàn áp phong trào, uy hiếp công nhân bãi công. Toàn bộ hệ thống cai trị, khủng bố của bọn thực dân ở mỏ cũng được huy động để đối phó với cuộc đấu tranh của thợ mỏ. Chúng dùng các thủ đoạn dụ dỗ, chia rẽ, dọa nạt… đối với quần chúng, nhưng tất cả đều vô hiệu, thợ mỏ vẫn kiên quyết đòi chủ mỏ phải thực hiện các yêu sách mới chịu đi làm. Đến ngày thứ 6 của cuộc bãi công, tình hình rất căng thẳng. Mặc dù đã được vay kỳ lương đầu tháng, nhưng mức lương thợ mỏ đa số đều thấp, phần đông công nhân đã hết gạo, hết tiền. Lợi dụng khó khăn của công nhân, bọn chủ mỏ và chính quyền thực dân bắt các cửa hàng đóng cửa để phá cuộc bãi công. Trước tình hình ấy ban lãnh đạo cuộc bãi công đã vận động bà con tiểu thương bán gạo cho thợ mỏ, thậm chí là bán chịu. Đồng bào các dân tộc ít người và bà con ngư dân ở gần Khu mỏ cũng mang gạo, ngô, khoai, sắn đến bán để ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân. 8h sáng ngày 20 tháng 11 năm 1936, bộ máy chính quyền của Pháp cùng bọn chủ mỏ buộc phải gặp đại biểu công nhân để đối thoại. Ba giờ chiều cùng ngày, chủ mỏ ra thông báo chấp nhận các yêu sách của cuộc bãi công: tăng lương lên 3 hào một ngày công; chủ chịu trả một nửa tiền cuốc xẻng; chủ chịu cấp dầu mỡ cho thợ làm xe; thợ vắng mặt không bị cúp, đánh đập. Cuộc bãi công đã giành được thắng lợi to lớn. Đây là cuộc đấu tranh thể hiện tinh thần bền bỉ kiên quyết, dũng cảm và có tổ chức kỷ luật chặt chẽ của công nhân khu mỏ.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh của công nhân mỏ Cẩm Phả gây được sự phấn khởi và niềm tin vào sức mạnh đoàn kết đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động toàn Khu mỏ. Nó châm ngòi cho công nhân các khu vực lân cận đứng lên đấu tranh. Trong khi bọn chủ mỏ vẫn còn bàng hoàng trước cuộc đấu tranh kiên cường của một vạn thợ mỏ Cẩm Phả, thì sáng ngày 23 tháng 11 năm 1936, công nhân Nhà máy Cơ khí Hòn Gai phát động bãi công đòi những quyền lợi về kinh tế và chính trị. Ban lãnh đạo cuộc bãi công đã huy động hàng ngàn công nhân các mỏ Hà Lầm, Hà Tu, Nhà máy điện Cột 5. Phong trào nhanh chóng lan tới Cửa Ông, Cái Đá, Đồng Đăng, Kế Bào… Tính đến ngày 28 tháng 11 năm 1936, phong trào đã trở thành cuộc tổng bãi công thu hút sự tham gia 3 vạn thợ mỏ.
Thắng lợi của cuộc tổng bãi công không phải chỉ ở chỗ đạt được những mục tiêu kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc như một tờ báo của Pháp đã nhận định: “Lần đầu tiên ở Đông Dương, giai cấp vô sản đã giành được thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên kỷ luật vô sản đã thắng sự kháng cự của bọn chủ… ”.
Cuộc tổng bãi công tháng 11 năm 1936 ở Khu mỏ là một trong những cuộc đấu tranh có quy mô vào loại lớn nhất ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương trong cao trào cách mạng 1936 - 1939. Hàng năm ngày 12 tháng 11 đã trở thành ngày Hội truyền thống công nhân vùng mỏ và câu khẩu hiệu của người công nhân “Kỷ luật và Đồng tâm” cũng xuất phát từ nội dung cuộc đấu tranh năm 1936. Ngày 12/11 đã trở thành Ngày hội lớn của những người thợ mỏ và nhân dân Quảng Ninh.
Thắng lợi của cuộc tổng bãi công tháng 11 năm 1936 đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Khu mỏ và góp vào thắng lợi chung của cả nước. Giai cấp công nhân nói chung và giai cấp công nhân Quảng Ninh nói riêng đã trở thành lực lượng quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và ngày nay là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế thế giới, giai cấp công nhân ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tập 1, xuất bản năm 1985. - Địa chí Quảng Ninh, tập 2, xuất bản năm 2002 - Lịch sử công nhân khu mỏ than Quảng Ninh 1820 - 1975, xuất bản năm 1996. |
Ths. Ngô Thị Ninh Dung (Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()