Nhà chức trách cho hay, thuốc phiện được phát hiện ở rừng sâu, khe núi, nơi đi lại khó khăn nên “hiếm khi xác định được chủ nhân”.
Từ tháng 1/2022 đến nay, Công an Cao Bằng phát hiện 8 trường hợp trồng thuốc phiện trái phép với tổng cộng khoảng 10.000 cây. Số này được trồng rải rác nhiều nơi, trên địa bàn các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh, Bảo Lâm.
Gần nhất, ngày 18/2, Công an huyện Bảo Lạc triệu tập Phủng Mùi Khé, 42 tuổi và Chảo Mùi Nải, 43 tuổi để điều tra việc trồng 8.010 cây thuốc phiện mục đích "làm thuốc". Số cây này "sinh trưởng tốt", đang trong quá trình ra hoa.
Tất cả được trồng trên diện tích 500 m2 dọc theo sườn núi cao, địa hình rất hiểm trở nên khó tiếp cận. Sau khi được báo cáo về "khu vườn", nhà chức trách tiến hành nhổ bỏ, giữ làm tang vật.
Các "vườn" thuốc phiện khác thường có số lượng từ 100 – 500 cây, trồng tại nơi vắng vẻ, có thể được "ngụy trang" cùng rau, ngô.
Đại tá Vũ Hồng Quang, Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng, cho hay tỉnh "không phải điểm nóng" về trồng cây thuốc phiện, gần đây mới xuất hiện tình trạng này. Tuy vậy, công an tỉnh yêu cầu các địa phương phải đến "từng xóm, từng bản" kiểm tra kỹ.
Thuốc phiện thường được trồng với số lượng dưới 500 cây/luống; ở khe suối, nơi vắng vẻ nên rất ít khi cảnh sát xác định được chủ nhân.
Đại tá Quang cho hay, thuốc phiện khi còn non được người trồng trái phép dùng "làm rau ăn". Khi cây già, hàm lượng ma túy cao hơn sẽ được ngâm rượu. Người dân thường trồng để bản thân, gia đình sử dụng, chưa phát hiện trường hợp nào tại Cao Bằng trồng rồi buôn bán sang các địa phương khác.
Điều 247 Bộ Luật hình sự quy định, người trồng trên 500 cây có chứa chất ma túy hoặc ít hơn nhưng thuộc trường hợp tái phạm sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ai trồng trên 3.000 cây sẽ bị phạt tối đa 7 năm tù.
Các trường hợp tàng trữ trên 10kg lá, rễ, thân cành cây cần sa hoặc côca; trên 1kg quả thuốc phiện tươi hoặc trên 5kg quả khô sẽ bị xử phạt về tộiTàng trữ trái phép chất ma túytheo Điều 249; hình phạt tối đa tù chung thân.
Ý kiến ()