Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:10 (GMT +7)
Livestream bán hàng tạo lực đẩy cho thương mại điện tử phát triển
Thứ 5, 05/09/2024 | 09:22:00 [GMT +7] A A
Livestream bán hàng đang trở thành xu hướng tiếp thị mới, hỗ trợ đắc lực cho phát triển hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Nắm bắt xu thế này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, người dân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động Livestream, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Livestream bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến hiện đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các tiểu thương, doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp; hoạt động bán lẻ hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến, trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.
Nhận định tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024 vừa qua (29/8-3/9/2024), ông Bùi Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, TMĐT nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream nói riêng đã phát triển mạnh trong thời gian qua với nhiều sản phẩm được quảng bá phong phú, đa dạng. Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP và cả những người dân không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình. Quảng Ninh là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, nên việc đẩy mạnh hoạt động livestream quảng bá sản phẩm là cần thiết và phải gắn với việc tuân thủ kinh doanh đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện nay, cùng với việc bán hàng trực tiếp, hoạt động livestream quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh cũng đang dần sôi động hơn. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động trong việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT và livestream sản phẩm trên các kênh bán hàng. Điển hình như: Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, Sở Công Thương tổ chức Tuần hàng Việt tại TP Uông Bí gắn với tổ chức hoạt động livestream quảng bá trực tuyến sản phẩm vải chín sớm Phương Nam trên Fanpage Trung tâm từ ngày 23-26/5/2024; hoạt động livestream ghi nhận 128.000 lượt xem, lượt tương tác 1.200 lượt. Cũng trong tháng 8/2024, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương tiếp tục tổ chức Tuần hàng Việt tại TX Đông Triều gắn với tổ chức hoạt động livestream quảng bá trực tuyến sản phẩm Na Đông Triều trên internet, bước đầu đã tạo được hiệu ứng lan tỏa và thu hút được nhiều lượt xem, đặt hàng.
Mới đây, tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024, hoạt động hỗ trợ livestream trên nền tảng số đã được tổ chức tại Khu gian hàng TMĐT và giải pháp số. Đây là nét mới trong kỳ hội chợ lần này, giúp đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm. Anh Vũ Văn Thương, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn DST cho biết: Kỳ hội chợ lần này chúng tôi vinh dự được phối hợp cùng với các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP tổ chức livestream hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên gian hàng tiktok shop. Tại đây, chúng tôi đã thực hiện livestream cho hơn 10 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm livestream được đảm bảo về các khâu an toàn thực phẩm, kiểm định và số lượng đơn hàng để chốt đơn. Mong muốn rằng, thời gian tới, hoạt động livestream sẽ thực sự là cầu nối hữu ích để giúp cho người dân, doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hoạt động TMĐT gắn với chuyển đổi số với nhiều hoạt động tập huấn, hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức 3 hội nghị, chương trình tập huấn TMĐT xuyên biên giới; tại Hội chợ OCOP khu vực phía bắc - Quảng Ninh 2022 và Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Đông 2022, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và VNPT, 13 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tham gia hoạt động TMĐT gắn với các hình thức bán hàng trực tuyến; Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương triển khai các chương trình, tuần lễ xúc tiến, bán sản phẩm OCOP ở các địa phương gắn với hoạt động livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm…
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, cho biết: Cùng với quảng bá trên các sàn TMĐT, thì livestream bán hàng cũng đang là xu hướng và được triển khai mạnh mẽ. Những lợi ích từ việc livestream thời gian qua đã giúp ích không nhỏ cho doanh nghiệp, khách hàng, nâng cao uy tín của các sàn TMĐT. Đây là hoạt động hữu ích để hướng tới phát triển TMĐT bền vững. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh lên các sàn TMĐT uy tín, phối hợp livestream giới thiệu sản phẩm và đổi mới hoạt động, hình thức tổ chức các hội chợ, triển lãm…, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()