Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:40 (GMT +7)
Livestream bán hàng tiền tỉ: Quản lý ra sao?
Thứ 4, 12/06/2024 | 14:26:32 [GMT +7] A A
Livestream bán hàng trên mạng đang rất sôi động, có người thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mỗi ngày từ hoạt động này.
Và từ đây đặt ra việc cần phải sửa quy định áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream như Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính.
Các chuyên gia cho rằng cần phải thúc đẩy thị trường này phát triển hơn nữa, song giải pháp áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết để hạn chế thất thu thuế, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện, trong đó vấn đề gốc rễ vẫn là sửa luật.
Hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, livestream đang "biến hóa khôn lường", việc quản lý hoạt động này thực sự khó khăn. |
Cơn sốt livestream doanh số khủng
Doanh thu của các phiên livestream trở thành chủ đề được bàn tán rôm rả. Trong giới bán hàng online, D.L. khiến nhiều người trầm trồ khi có phiên livestream đạt doanh thu 30 tỉ đồng. Vào tháng trước, vợ chồng Q.L.D. gây chú ý khi công bố đạt doanh số 100 tỉ đồng sau 17 tiếng liên tục livestream.
Ở phiên bán hàng vào đầu tháng này, vợ chồng trên cũng đặt mục tiêu đạt 150 tỉ đồng, kết quả là đạt 80 tỉ đồng sau 40 tiếng liên tục bán hàng online.
Quản lý và điều hành Accesstrade, nền tảng tiếp thị liên kết lớn hàng đầu Việt Nam, ông Dũng Bùi cho biết dự báo vào năm tới nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam ước đạt 45 tỉ USD, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) chiếm tới 24 tỉ USD.
Hãng dữ liệu NielsenIQ cũng cho biết trong quý đầu năm 2024 có tới 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua livestream. Việc mua hàng qua các KOC (người tiêu dùng, có sức ảnh hưởng) và KOL (người nổi tiếng) ngày càng phổ biến.
Các phiên livestream bán hàng trên TikTok đạt doanh thu hàng 100 - 150 tỉ đồng cũng ngày càng phổ biến. Ngay các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada... cũng xem livestream là hình thức bán hàng chủ lực trước thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường.
Tuy nhiên đang có lỗ hổng trong quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, trong đó có cá nhân livestream bán hàng.
Đang có những bất cập trong quản lý các cá nhân bán hàng, livestream trên các trang mạng xã hội. Nếu đi không đúng hướng, cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, luôn đuổi theo "ma hồn trận" mà người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu. Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) |
Live xong xóa link, biết là ai
Dù là phương thức bán hàng đang lên của thị trường TMĐT, nhưng nhiều công ty nghiên cứu thị trường lớn cho biết họ chưa thể thống kê được chính xác doanh số của các phiên livestream để tính vào quy mô thị trường.
Báo cáo của nền tảng số liệu Metric cho biết số thống kê doanh thu bán lẻ trên năm sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam của họ chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.
Giải thích về cách thu thập dữ liệu này, đại diện Metric cho biết với hình thức bán hàng livestream, rất khó cho họ thống kê chính xác vì giá bán của các phiên này thay đổi liên tục so với giá gốc. Nhiều phiên xóa link live sau khi thực hiện, nên để đảm bảo số liệu chính xác nhất, một số nền tảng chưa đưa các số này vào báo cáo.
Một khảo sát về hành vi mua sắm của gen Z tại Việt Nam mới đây của Shopee cũng nhấn mạnh bên cạnh việc thu thập voucher, 2/5 gen Z còn thích xem livestream để săn hàng trên kênh TMĐT. Trong đó 84% người dùng cho biết trải nghiệm mua sắm thú vị là một trong những lý do lựa chọn TMĐT làm kênh mua sắm ưa thích.
Hiện một số sàn bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thống kê, sàng lọc sản phẩm, giá bán nhưng riêng với các phiên livestream vẫn rất khó "rà" một cách chính xác. "Để đánh giá đúng doanh số, đơn hàng, các sàn cần phối hợp chặt chẽ với người bán trước các phiên livestream, có cơ chế minh bạch và công khai thông tin rõ ràng như đăng ký sản phẩm, giá..." - đại diện Metric nói.
Chính vì khó kiểm soát nên dù bùng nổ thời gian qua nhưng quản lý thuế và thu thuế đối hoạt động livestream bán hàng vẫn rất khó khăn, thất thu lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, không giống như hình thức đưa hàng lên sàn TMĐT bán, hình thức livestream sau khi kết thúc phiên từ người mua và cả cơ quan quản lý cũng không còn biết họ là ai. Điều này cũng cho thấy việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp vì tính mới và phổ biến của nó.
Sàn đang quản lý chặt chẽ?
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam - khẳng định những phiên livestream lớn diễn ra trên sàn, có doanh thu trăm tỉ đồng, đều thực hiện đúng phát luật.
Theo ông Thanh, mỗi phiên giao dịch có thể ghi nhận hàng chục ngàn đơn hàng, đương nhiên các bên đều hiểu câu chuyện thuế. Các giao dịch đều ghi lại, "không ai dám làm một hoạt động không tuân thủ hoàn toàn nghĩa vụ thuế".
Với phiên livestream đạt doanh thu trăm tỉ, nhãn hàng đóng vai trò là nhà cung cấp hàng hóa nên phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, đối với người bán hàng - xuất hiện chính trong phiên, thông thường sẽ có lương cứng - người làm thuê, hoặc được trả thu nhập dựa vào tổng doanh thu, vì vậy sẽ đóng thuế theo số tiền nhận được.
Trong khi đó, đại diện Shopee cho biết họ đang kiểm soát chặt chẽ nội dung và các hoạt động trên Shopee Live (livestream trên Shopee) dựa trên các tiêu chuẩn cộng đồng Shopee Live, chính sách của Shopee và các quy định pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, tất cả sản phẩm đăng bán trên Shopee, kể cả trên Shopee Live, đều phải đáp ứng và tuân thủ đúng quy định đăng bán của sàn theo quy định đăng bán sản phẩm.
Theo Shopee, khi đăng bán sản phẩm hoặc thực hiện livestream, người bán có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa, nội dung truyền tải qua livestream của mình tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, quy định đăng bán sản phẩm trên Shopee, chính sách cấm/hạn chế sản phẩm cũng như các điều khoản sử dụng và chính sách của Shopee và Shopee Live.
Chủ sàn nộp thuế thay cho cá nhân?
Tuy vậy, đại diện TikTok Việt Nam cũng cho biết thời gian qua có những người chưa phân biệt được các phiên bán hàng ở các sàn TMĐT chính thống với các phiên diễn ra ở những nền tảng phi sàn (giao dịch không được ghi lại đầy đủ, không ràng buộc rõ trách nhiệm người bán với người mua, không có bên trung gian để bảo đảm).
Ông Lâm Thanh phân tích về nguyên tắc khi tham gia kinh doanh, mọi người đều có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Nền tảng cũng thông báo về quy định và trách nhiệm, nhưng có những người không chịu đọc. Các nền tảng tổ chức khóa học đào tạo rất kỹ nhưng có bên cử nhân viên đi học nhưng không học. TikTok có phối hợp Tổng cục Thuế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhìn thấy rủi ro nếu không chịu khó học luật.
Dù vậy theo ghi nhận, việc kiểm soát hàng hóa ngay trên sàn vẫn có kẽ hở. Chẳng hạn hồi đầu tháng 6-2024, Tổng cục Quản lý thị trường đã phát hiện kho hàng chứa khoảng 2.000 điện thoại iPhone, máy tính bảng, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo... không có hóa đơn, nghi nhập lậu, bị đăng bán trên TikTok Shop.
Theo Bộ Tài chính, để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Giải pháp này, theo Bộ Tài chính, sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho toàn xã hội.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()