Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:42 (GMT +7)
Lo dịch bệnh, khách ồ ạt trả vé tàu, đường sắt hết tiền trả lại
Thứ 3, 02/02/2021 | 15:30:59 [GMT +7] A A
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng tới nay, các đường sắt đã trả hơn 32.000 vé và cũng đã trả lại hơn 30 tỷ đồng tiền vé cho khách hủy vé. Với dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thiệt hại của đường sát được dự báo còn tiếp tục tăng, dòng tiền mặt đã hầu như không còn.
Khách ồ ạt trả lại vé tàu dịp Tết Nguyên đán do lo ngại dịch COVID-19, đường sắt cạn tiền mặt. Ảnh minh hoạ. |
Tin từ đường sắt cho hay, riêng trong ngày hôm qua (1/2), đã có 11.000 vé tàu khách hàng trả lại. Trong đó, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội ghi nhận số vé tàu trả lại khoảng 5.000 vé với số tiền trả lại 5 tỷ đồng. Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn khách trả lại khoảng 6.000 vé, với số tiền trả lại 6 tỷ đồng.
Tính chung từ ngày 28/1 tới nay (từ khi dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng), tổng số vé tàu khách trả lại là hơn 32.000 vé, với số tiền đường sắt đã trả lại khoảng 30 tỷ đồng.
Đây được ghi nhận là số vé tàu bị trả lại nhiều nhất từ trước tới nay của ngành đường sắt. Khách trả lại chủ yếu vé tàu đi từ Nam ra Bắc trước Tết Nguyên đán và Bắc vào Nam sau Tết Nguyên đán.
“Hầu hết khách đặt vé tàu đi lại dịp Tết Nguyên đán này là vé khứ hồi, nên khi trả là họ trả cả 2 chiều, không về quê ăn Tết nữa. Thiệt hại với đường sắt rất lớn. Do số lượng vé trả lại quá lớn, dòng tiền của đường sắt gần như không còn, nên không còn tiền mặt để trả lại cho khách. Hiện đường sắt đang nghiên cứu giải pháp ứng phó”, nguồn tin từ đường sắt cho hay.
Theo đó, có thể đường sắt sẽ áp dụng chính sách hoàn tiền chậm, tức khách trả vé nhưng sẽ được hoàn tiền sau 90 ngày, hoặc khách trả vé được bảo lưu tiền để đặt vé tàu sau. Đây là cách được hàng không áp dụng để giảm áp lực dòng tiền mặt phải trả lại cho khách trong một thời điểm.
Dự kiến những ngày tới số lượng vé tàu trả lại vẫn tiếp diễn, khi dịch bệnh càng lây lan thì người dân huỷ kế hoạch đi lại Tết càng tăng. Đặc biệt, sau khi tỉnh Bình Dương có các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, địa phương tập trung công nhân thuộc tốp đầu cả nước này đã khuyến cáo người dân, công nhân không về quê ăn Tết, để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch.
Trong khi lượng khách trả vé tàu tăng cao, thì lượng vé tàu đi lại dịp Tết Nguyên đán này không còn nhiều khách mua nữa, đường sắt đã lên kế hoạch cắt giảm tàu, giảm toa…
Cùng với đó, đường sắt tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại nhà ga, trên các đoàn tàu, như đo thân nhiệt, yêu cầu khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách; các đoàn tàu sau mỗi hành trình được phun khử khuẩn…
Theo Tiền Phong
Liên kết website
Ý kiến ()