Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:14 (GMT +7)
Lò sứ cổ xã Nam Sơn
Thứ 5, 27/01/2022 | 09:41:17 [GMT +7] A A
Lò sứ cổ nằm ở thôn Làng Mới của xã Nam Sơn. Đến lò sứ ta có thể đi đường bộ hoặc bằng thuyền theo đường sông.
Theo tài liệu “Nghiên cứu giá trị của Di tích Lò sứ cổ xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ và đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy” của Bảo tàng Quảng Ninh, thì lò sứ do những người Việt gốc Hoa lập nên vào khoảng giữa thế kỷ 19. Năm 1945, do những biến cố lịch sử, các chủ lò ở đây đã bỏ nghề và bỏ làng ra đi và các lò sứ dần bị hoang phế.
Trước đây, để đến được lò sứ cổ Nam Sơn chỉ có thể đi bằng đường sông mà không có đường bộ, vì xung quanh là rừng đồi. Chủ lò sứ là người có thế lực, nhằm giữ bí mật của công nghệ làm gốm sứ, chủ lò đã đuổi hết dân ra khỏi làng chỉ có thợ làm mới được ở lại.
Ông Ngô Văn Trọng, 70 tuổi, sống tại thị trấn Ba Chẽ đã từng nhiều lần đến khu vực lò sứ, thời điểm nơi đây còn đang sản xuất. Ông Trọng kể: Khi còn nhỏ, tôi thường đi theo bố tôi làm nghề buôn cá. Có đôi lần bố cùng tôi đi bán cá cho những người làm sứ, thời điểm đó Làng Mới chưa có dân ở. Khi có người lạ vào làng, lập tức có mấy người mặt mày dữ tợn ra chặn hỏi mật khẩu bằng tiếng Tàu, nếu không trả lời đúng, thì lập tức bị những người kia xông vào đấm đá túi bụi rồi đuổi ra khỏi làng, vì những người sản xuất gốm sứ ở đây sợ bị lộ kỹ thuật sản xuất của mình.
Ngày nay, đến với lò sứ có thể đi được bằng đường bộ được hình thành từ Chương trình xây dựng nông thôn mới hay có thể theo hướng tỉnh lộ 330, có đường rẽ vào Làng Mới ở khu vực gần giáp với phường Mông Dương (Cẩm Phả). Nếu đi đường sông thì điểm xuất phát từ bến Miếu Ông thuộc thôn Cái Gian, xã Nam Sơn. Từ đó, đi thuyền xuôi theo dòng sông và ngắm cảnh sông Ba Chẽ nên thơ và hùng vĩ với những rừng cây ngập mặn đầy sức sống uốn mình bên dòng sông. Vào buổi sáng sớm, nhất là về mùa xuân hay mùa đông, sương mù giăng giăng, đan xen với cảnh núi rừng mơ mộng huyền ảo, những ngọn đồi xanh lúc ẩn lúc hiện.
Lò sứ nằm bên bờ sông Ba Chẽ, khu vực này là cuối nguồn con sông trước khi đổ ra biển. Từ đây men theo bờ sông là các làng bản của người Dao gồm Sơn Hải, Cái Gian, Làng Mới, Khe Sâu. Tháng 6/2013, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Sở KH&CN và Viện Khảo cổ học khảo sát Lò sứ cổ xã Nam Sơn. Theo kết quả sau chuyến khảo sát này, thì lượng đất sét cao lanh là nguyên liệu có chất lượng cao để làm gốm sứ được phát hiện ở khu vực này ước tính hàng tỷ tấn. Vì vậy, cư dân ở đây đã xây dựng lò sứ có quy mô rất lớn khoảng 40.000 m2 gồm: Khu vực khai thác nguyên liệu, chế biến nguyên liệu, cối nghiền đất bằng sức nước, hệ thống bể lọc, 3 xưởng chế tác sản phẩm, lò nung sứ, khu bến thuyền. Kỹ thuật xây lò tiên tiến theo kiểu lò rồng (lò vỏ sò), đây là kiểu lò sứ điển hình của vùng Quảng Đông (Trung Quốc), kiểu lò này có năng suất cao, chất lượng sản phẩm được bảo đảm. Sản phẩm ở lò gốm ban đầu là bát đĩa, chén, men mầu ngọc nhạt dùng để uống trà. Khoảng đầu thế kỷ 20, do nhu cầu của thị trường khu lò được phát triển thêm khu xưởng chế tác và bể lọc và sản xuất các sản phẩm ấm, tích, đồ sành.
Hàng nghìn mẫu vật thu được từ cuộc khảo sát năm 2013 bao gồm chén, nhiều nhất là bát với các cỡ to nhỏ khác nhau được trang trí các hoa văn đôi cá vàng, chú gà trống, ngoài ra còn nhiều đồ bằng sứ khác như liễn, đĩa khay ấm tích… Các mẫu vật được đưa đến nghiên cứu bằng phân tích thành phần hóa học tại Phòng thí nghiệm và xác định niên đại của Viện Khảo cổ học về các yếu tố của xương sứ, trình độ chế tác đất làm xương sứ rồi đưa ra kết luận “Chất lượng xương sứ Ba Chẽ hàng đầu Việt Nam và tương đương với chất lượng đồ sứ Trung Quốc giai đoạn thế kỷ 19 và đây là di tích có tính chất đặc trưng về công nghiệp chế tác đồ sứ, đặc biệt là lò nung có quy mô lớn nhất Việt Nam thời điểm lò gốm hoạt động”.
Huyện Ba Chẽ đang có kế hoạch phát triển du lịch hệ thống miếu Ông – Miếu Bà, làng văn hóa người Dao và Lò sứ cổ Nam Sơn. Trước thời điểm dịch Covid-19, đã có doanh nghiệp đã đưa ra ý tưởng đầu tư khai thác và phát triển Lò sứ cổ. Công ty này sẽ khai thác đất sét làm gốm và làm một số nội dung du lịch cho địa phương. Dự kiến sẽ hình thành địa điểm trải nghiệm cho khách du lịch với các công đoạn thăm lò gốm cổ, trải nghiệm làm đồ sứ. Du khách tới đây được chứng kiến những người thợ khéo léo làm ra các tác phẩm độc đáo từ đất sét, các sản phẩm gốm sinh động, hoặc có thể tham gia luôn vào quá trình làm gốm, từ đó tạo sự hứng khởi cho du khách khi đến thăm lò gốm. Thế nhưng do dịch Covid-19 hoành hành, ý tưởng du lịch đó đã tạm thời gác lại. Lò sứ cổ lại ngủ yên, giống như nó đã từng ngủ từ cách đây hơn nửa thế kỷ.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()