Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:17 (GMT +7)
Loạt ô tô giảm giá sâu, Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ
Thứ 4, 05/04/2023 | 15:48:42 [GMT +7] A A
Thị trường ô tô ảm đạm, nhiều đại lý xe áp dụng chính sách giảm giá cho hàng loạt xe thuộc nhiều phân khúc khác nhau.
Loạt ô tô giảm giá sâu
Cũng giống như các ô tô ở phân khúc khác, hai mẫu xe ở phân khúc A cũng đang giảm giá mạnh nhằm kích cầu thị trường ô tô.
Phân khúc ô tô hạng A không còn tạo được nhiều sức ảnh hưởng lên thị trường khi chỉ còn 2 mẫu xe là Hyundai Grand i10 và Kia Morning. Trong đó, Hyundai Grand i10 đang có chương trình giảm giá đến 70 triệu đồng, tuy nhiên các mẫu xe thuộc chương trình này chủ yếu sản xuất trong năm 2022.
Cụ thể, Hyundai Grand i10 phiên bản 1.2 AT tiêu chuẩn được giảm khoảng 60 triệu đồng. Phiên bản 1.2 AT cao cấp của mẫu xe này giảm 70 triệu đồng so với giá niêm yết, kéo mức giá bán xuống còn khoảng 385 triệu đồng.
Hiện nay tại thị trường Việt Nam, nhiều mẫu xe thuộc các phân khúc khác nhau đều có chương trình ưu đãi, giảm giá sâu như Kia Sonet giảm 40 triệu đồng, Hyundai Stargazer giảm giá đến 100 triệu đồng, Mazda CX-5 giảm giá đến 90 triệu đồng, …
Đáng chú ý, một số mẫu xe SUV như Hyundai SantaFe, Mazda CX-8, Honda HR-V giảm giá đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng giảm giá cũng nhằm dọn kho và lượng xe không còn nhiều, đồng thời cũng tuỳ chính sách của từng đại lý.
Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ (LPTB) với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19, Bộ đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…Tuy nhiên, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”- Bộ tài chính phân tích.
Cũng theo Bộ Tài chính, có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.
"Hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp"- Bộ Tài chính cho biết.
Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Liên kết website
Ý kiến ()