Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:15 (GMT +7)
Lộc Ninh phát triển mạnh sản phẩm OCOP
Thứ 4, 01/06/2022 | 15:42:26 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Lộc Ninh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Nâng giá trị hàng nông sản
Công ty TNHH MTV thương mại Mỹ Lệ có địa chỉ tại ấp 11A, xã Lộc Thiện là công ty lớn, lâu năm, chuyên cung cấp mặt hàng tiêu xuất khẩu. Công ty luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, có dây chuyền sản xuất tiêu sạch theo công nghệ mới với mức đầu tư hàng tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, công ty cung cấp trên 10.000 tấn tiêu sạch cho hơn 20 công ty xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đây, tiêu Lộc Ninh, Bình Phước đã đến khắp các nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Ấn Độ... và được đánh giá rất cao về nồng độ cay, thơm.
“Trải qua nhiều năm kinh doanh, tôi nhận thấy tiêu Lộc Ninh luôn xếp thứ hạng cao trong cả nước. Khi có được chứng nhận nhãn hiệu Hồ tiêu tập thể, công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc và các trang thiết bị hiện đại để cho sản phẩm tiêu sạch. Hiện nay, công ty rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để phát triển mã OCOP đối với sản phẩm hạt tiêu đen ASTA và hạt tiêu mộc tiệt trùng nhằm duy trì phát triển sản phẩm trong năm 2022 và những năm tiếp theo” - ông Lê Quang Tiến, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Mỹ Lệ chia sẻ.
Tháng 5-2020, ông Phạm Thanh Chung đã “bắt tay” với một số hộ nông dân thành lập Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang để cùng làm mô hình sinh thái. Những ngày đầu mới thành lập, 9 thành viên tham gia HTX gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với giá tiêu trên thị trường xuống thấp cùng dịch bệnh khiến nông dân hoang mang. Với mong ước đưa sản phẩm hạt tiêu hữu cơ Bình Phước đi khắp thế giới, các thành viên HTX đã, đang ngày đêm ra sức thay đổi phương thức sản xuất theo hướng đi bền vững nhằm cho ra đời những sản phẩm tiêu chất lượng cao, khẳng định thương hiệu tiêu Lộc Ninh trên thị trường.
Phát triển theo hướng bền vững
Được sự hỗ trợ của Tổ hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP huyện Lộc Ninh, năm 2021, sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX Lộc Quang vinh dự có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP đạt 4 sao. “Điều này đã khuyến khích, hỗ trợ HTX có thêm điều kiện được quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu. Chương trình OCOP còn có ý nghĩa phát huy trí tuệ sáng tạo của người nông dân và hình thành các tổ liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Hiện sản phẩm của HTX đã được thị trường trong và ngoài nước ghi nhận, đặc biệt là các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản... đánh giá cao” - ông Phạm Thanh Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang phấn khởi cho biết.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra những nông sản chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, huyện Lộc Ninh đã ban hành Kế hoạch phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025. Trong đó, cụ thể hóa nguyên tắc và các bước tổ chức triển khai thực hiện.
Bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung, có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP; tư vấn, hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình. Các HTX đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu tổ chức kinh tế, hoàn thiện hệ thống sản xuất và kinh doanh; đa dạng hóa hình thức truyền thông, chú trọng vào hình thức truyền thông qua mạng xã hội. Đến nay, Lộc Ninh đã có 9 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP hạng 4 sao, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Ông Trần Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh cho biết, những sản phẩm của các chủ thể khi được công nhận OCOP đã tạo sự tiếp cận của thị trường cũng như các đơn vị thu mua. Phía người dân đã hiểu được giá trị khi thương hiệu của sản phẩm được nâng lên. Từ đó tạo nguồn thu nhập cho các hộ, rồi đến việc làm cho người dân địa phương.
Tổ hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP huyện đang tập trung hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị sản phẩm như xây dựng các dự án phát triển công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, sẽ hỗ trợ HTX trồng tiêu đạt chứng nhận Organic; HTX trồng bưởi, mít, sầu riêng đạt chứng nhận GlobalGAP; dự án đạt chứng nhận VietGAP…
Ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp các xã, thị trấn hoàn thành việc rà soát, đánh giá đối với 24 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 theo 5 nhóm, ngành hàng. Đây là cơ sở quan trọng để các chủ thể có kế hoạch đầu tư, phát triển, hoàn thiện sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
“Trong quý 1/2022, Tổ hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP huyện đã tiếp cận hướng dẫn giúp đỡ thêm 9 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm OCOP đang có để nâng lên. Hiện tổ đang trình hội đồng xét duyệt của huyện để đẩy nhanh, đẩy mạnh đạt mục tiêu hướng các sản phẩm OCOP đi đến 5 sao, được công nhận trên thị trường không chỉ trong nước mà hướng đến mục tiêu xuất khẩu” - ông Trần Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định.
Theo Thanh Tuyền - Thu Trang/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()