Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:19 (GMT +7)
Lợi ích của vaccine cúm mùa
Thứ 6, 29/10/2021 | 08:58:47 [GMT +7] A A
Hiện nay, thời tiết thay đổi, khí hậu lạnh ẩm khiến cho bệnh cúm gia tăng nhanh, vaccine cúm mùa là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm AH3N2, cúm AH1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác.
Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già, sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn. Do đó, tiêm vaccine phòng cúm mang lại hiệu quả cao nhất, tiết kiệm và đơn giản nhất.
Bác sĩ Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Tiêm phòng cúm không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn cho gia đình và cộng đồng. Đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao như trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi; người trên 65 tuổi; người mắc các bệnh lý mạn tính như: Hen, viêm phổi, tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc HIV/AIDS, suy thận.
Bên cạnh đó, tiêm vaccine cúm cho phụ nữ mang thai đem lại lợi ích gấp đôi, vừa bảo vệ cho cả mẹ và thai nhi. Những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm cho đến khi trẻ có thể chủng ngừa cúm lần đầu tiên lúc 6 tháng tuổi. Ngoài ra, những phụ nữ sau khi sinh con vẫn chưa được tiêm ngừa vaccine cúm trong thời gian thai kỳ cũng nên đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Nếu người mẹ bị nhiễm bệnh cúm mùa và thường xuyên trực tiếp chăm sóc con nhỏ có thể lây nhiễm virus cúm sang cho bé.
Phản ứng phụ thường gặp nhất của vaccine chủng ngừa cúm (đối với cả trẻ em và người lớn) là đau tại chỗ được tiêm. Trẻ em, đặc biệt là những người chưa từng nhiễm virus cúm, có thể bị sốt nhẹ, cảm thấy đau và mệt mỏi. Những triệu chứng này có thể kéo dài đến 2 ngày.
Vaccine ngừa cúm thường có hiệu lực bảo vệ rất cao, lên đến trên 90%. Hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm kéo dài trong 1 năm vì các loại virus cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do vậy, người dân nên đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng vi rút cúm đang lưu hành với chủng vi rút cúm có trong vaccine.
Bác sĩ Phúc lưu ý: Đối với người bệnh cúm mùa nên hạn chế ra nơi công cộng để tránh lây lan cho người lành, nếu phải ra nơi đông người thì nên mang khẩu trang, sử dụng khăn giấy khi ho hay hắt hơi và rửa tay với xà phòng để tránh lây nhiễm cho người khác. Đối với người lành nên hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm mùa, rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường xung quanh người bệnh... Virus cúm mùa có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài từ 2 - 8 giờ (tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế...), nhưng có thể bị tiêu diệt bởi xà phòng, nước rửa tay có cồn 60 độ C.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()